Diễn Đàn Tình Bạn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Kết bạn , giao lưu


You are not connected. Please login or register

Truyện hay về gia đình: Bệnh nói (phần hai)

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

๖ۣۜPeTrangVuiVe

๖ۣۜPeTrangVuiVe
Mod Phim Ảnh - Video Clip - Music
Mod Phim Ảnh - Video Clip - Music

PHẦN 2 - BỆNH NÓI


Cuộc sống gia đình có thể cứ trôi như thế như những ngọn nến cháy song song chẳng ai liên quan đến ai.

Hòa thuận và vui vẻ đấy nhưng anh hoàn toàn không hiểu chị, không thể chia sẻ và đỡ đần cái khối công việc mà chị mang trên vai. Khó khăn về mạng: Anh chịu. Khó khăn về chuyên môn: Anh không biết. Khó khăn về mối quan hệ: Anh càng bó tay.

Không thể là bạn chị khi chị muốn đi chơi lang thang xả stress vì anh vốn không lãng mạn và hoàn toàn vô cảm trước những gì mà chị rung động. Cái đầu của anh không được lập trình theo hướng đó.

Con cái cũng vậy. Những khó khăn thực sự của chúng chỉ có mẹ giải quyết nổi được chút nào hay chút ấy. Còn anh thì hoàn toàn không thể.

Có thể chính vì những điều đó khiến anh cảm thấy vấn đề giao tiếp của mọi người trong gia đình với anh làm anh không thỏa mãn nên anh trở nên ồn ào dần. Cái sự dần dần đó đến chính anh và chị cũng đều không nhận ra.

Đầu tiên là chuyện ốm đau. Khi mới cưới thì mỗi lần anh ốm, thậm chí ốm nặng anh thường cười mỗi khi chị đến gần. Câu anh thường nói nhất là: "Không sao đâu, anh khỏi ngay ấy mà" để chị đừng lo lắng. Bây giờ thì động tí là anh tỏ ra ốm rất nặng. Xoa cao đầy người và hễ ai đến gần là tỏ ra rất mệt mỏi, ốm to...có thể còn lâu mới khỏi. Mọi người cần đặc biệt quan tâm chăm sóc!

Hơi đau mắt thì cô vợ vừa đi công tác 150km về đến nhà, anh đã ấn ngay lọ thuốc nước vào tay nhờ tra hộ hoặc con đang học ở tầng trên cũng dứt khoát gọi xuống để tra cho bố, lí do là bố tra nhỡ nó chảy ra ngoài!

Khi ngồi bên vợ con, ý kiến của anh lúc nào cũng chắc như đinh đóng cột. Có lẽ anh muốn ngầm cho mọi người hiểu rằng: Cái gì anh cũng biết, biết rõ và rất giỏi về mọi chuyện. Đừng có coi thường anh! Tất nhiên là chuyện này thi thoảng xảy ra thì cũng chẳng ai để ý. Nhưng tần số cứ tăng dần cho đến khi bất cứ chuyện gì mà anh nhìn hay nghe thấy anh cũng cho ý kiến.

Anh soi và cho ý kiến mọi chuyện từ từng món nấu ăn sao không thế này, sao chẳng thế kia. Có những ý kiến lãng xẹt đến độ không chịu nổi. Con gái sau một ngày học vất vả, chiến đấu với nạn tắc đường, ghé qua chợ về lụi cụi nấu cơm đã chẳng được khen lại bị kêu ca xưng mặt lên ấm ức giải thích. Ít thì thôi nhưng khi cáu quá chị ngừng xem ti vi và bảo con: "bận sau thì con nhớ hỏi ý kiến bố trước khi nấu bất cứ món nào" hoặc "Con nhớ hỏi ý kiến bố xem múc thức ăn ra vào loại bát đĩa nào nhé". Thế là bữa ăn chiều xum họp bên cạnh cái tivi đang chiếu phim truyện hoặc ca nhạc mất cả vui.

Ngồi xem các gameshow truyền hình lắm lúc anh lựa theo ý số đông để chọn kết quả nhưng lại rao giảng như đó là kiến thức rất chắc chắn làm cả nhà bực mình. Rốt cục lại sai. Có lúc thằng con trai phải bảo: "Bố nói cứ như đúng rồi ấy" hoặc chị hỏi lại "Có thật anh biết chắc không ?". Thế là anh cáu. Cáu loạn nhà.

Chị không hiểu nổi tại sao anh phải giả vờ thông thái như thế. Cái gì biết thì nói biết. Cái gì không biết chính xác thì nói hình như là...cái gì không biết thì bảo không biết. Cứ như ai khác chứ đó không phải là anh nữa.

Sau những lần như thế vợ con càng thêm khép mình. Ai cũng ít nói dần đi. Mặc kệ anh nói chả ai muốn đối chất với anh cho loạn nhà.

Chị nhiều lúc tự hỏi mình xem tại sao anh lại như thế?

Chẳng nhẽ anh giống mẹ anh. Một bà mẹ chồng rất tốt bụng, cả một đời chịu thương chịu khó, thương chồng, thương con phải mỗi cái tội lắm mồm. Giống hệt như anh cái gì bà cũng ý kiến chỉ đạo và điều khiển. Tham dự vào mọi thứ kể cả những thứ mà một bà già hơn tám mươi hoàn toàn mù tịt. Nếu trái ý bà là bà chửi loạn cả lên. Bà đuổi tất. Bà gào lên rằng: "Giời ơi là giời, giờ chỉ có thằng chết (liệt sĩ) nó nuôi tôi thôi còn thằng sống thì đứa nào nó cũng mong cho tôi chết đi cho khuất mắt...!" rồi bà khóc nghều ngào. Thế là con dâu thì cao chạy xa bay. Con trai thì im thin thít. Cả nhà từ lớn đến nhỏ phải nhịn bà như nhịn cơm sống.

Nghĩ thế nên vài lần chị đã nhỏ nhẹ bảo anh:

- Từ nay anh đừng cái gì cũng soi nữa

- Tôi soi cái gì? Tôi làm gì nào?

- Thì anh tập trung vào chuyện gì đó đi. Đam mê một cái gì đó đi. Đừng nhìn người khác chăm chú quá làm gì kẻo như mẹ anh ấy. Mẹ anh có làm gì đâu. Chỉ nói lắm thành quen. Cái gì cũng có ý kiến. Không đúng ý thì làm ầm lên khiến cả nhà khó chịu. Anh nói lắm, soi lắm cũng thành quen thì chết mẹ con em.

Anh yên lặng không phản bác nhưng....đâu vẫn đóng đấy. Bệnh nói của anh làm cho cả nhà càng thêm hãi hùng.

Rồi chị lại nghĩ

Chẳng nhẽ anh giống bố anh. Một lão nông vô tích sự đến nỗi chẳng biết làm việc nhà nông. Hồi trẻ may con nhà giầu được đi học đến hết lớp bốn nên được chọn làm chân thư ký hợp tác xã cũng có công điểm. Đến khi hợp tác xã giải thể thì công việc cũng hết.

Lúc này bà mẹ vốn xưa kia kính trọng cái kho chữ trong đầu chồng mới té ngửa ra rằng: hóa ra ông là một người lười biếng xưa nay cứ ôm đống sổ sách để trốn việc là chính. Giờ nghỉ rồi không muốn làm gì, lại cũng không biết làm gì nữa. Cả nhà trần lưng vắt sức ra để nuôi báo cô ông từ khi ông bốn mươi tuổi đến giờ. Đã thế ông còn tham ăn và ở bẩn nữa. Nhưng ông Sĩ lắm. Ngày chị mới về làm dâu ông khủng bố chị nhiều câu về chân lý sống khiến chị xanh cả mắt. Ông sống trong nhà như cái bóng nhưng kiêu căng như một ông hoàng hợm đời.

Anh thì không thế. Anh có thể nấu ăn dẫu không ngon, Anh biết làm nhiều việc như một thợ sửa chữa vặt lành nghề. Anh cũng chẳng tham ăn và rất sạch sẽ. Mỗi tội anh Sĩ giống bố. Ngồi trên ô tô do vợ lái. Thay bằng nhìn ra xung quanh quan sát phong cảnh thì anh chỉ huy vợ đi đường. Kinh nhất là đi cùng anh trong thành phố. Lúc anh gắt lên sao không thế này, sao không thế kia ...làm chị - một tay lái cứng được anh em lái xe công nhận - mấy lần bị phân tâm suýt đâm vào người. Lần nào chuyến đi cũng kết thúc bằng việc chị cáu ầm lên và anh hầm hầm tức giận. Con cái chán nản kêu rức đầu vì bố.

Khiếp nhất là khi có sự cố gì xảy ra. Hư hỏng cái gì đó, quên cái gì đó, mất mát cái gì đó thì ...thôi rồi ! Bao giờ anh cũng ầm ĩ lên tìm bằng được nguyên nhân để quát người này hay người khác. Tưởng cứ như là trời sập đến nơi rồi.

Những lúc đó chị thường chẳng nói gì. Có lần chị đã bảo anh:

- Sao anh cứ phải truy tìm thủ phạm để làm gì? rồi làm ầm lên cái chuyện bé như con thỏ có đáng gì đâu.

- Anh sửa rồi lại ầm ĩ lên làm gì để mất cái lòng thảo của mình đi...

Nhưng cũng có lúc chị phải quát lên là:

- Ai chẳng có lúc sai sót. Vấn đề là tập trung giải quyết tốt nhất sai sót đó.Rồi bảo nhau rút kinh nghiệm chứ không phải tìm ra người để quy trách nhiệm hay đổ lỗi.

Được cái khi chị đã quát lên thì anh im ngay nhưng lần sau...lại thế. Hình như nó đã trở thành bản năng gốc rễ của anh mất rồi.

Ngày xưa chị lấy anh vì anh ít nói , tự tin, hài hước và không cố chấp. Không biết từ bao giờ anh trở thành lắm lời đến khó chịu và thiếu tự tin đến hết cỡ như vậy chứ?

Chia tay?

Nhưng khác với tuổi trẻ. Anh và chị đã cùng nhau đi gần hết cả chuyến đò đời rồi. Sướng khổ đã trải mà khổ thì nhiều hơn sướng. Cái tình còn nhiều không chẳng biết nhưng cái nghĩa thì rất đầy.

Sao có thể nói chuyện chia tay ?

Một lần chị tình cờ gặp lại ba cô bạn học đại học. Ngồi uống nước với nhau, Đem chuyện nhà ra kể với nhau. Hóa ra cả ba đứa đều rất thành đạt nhưng đều đã chia tay với chồng. Chồng của chúng nó cũng đều có học đàng hoàng. Con cái giờ đứa ở với bố, đứa ở với mẹ. Thỏa mãn sự "nhẹ cái nợ đời" nhưng giờ con cái lớn, chúng có vợ, có con hú hí vui vẻ. Cái cô đơn ngấm vào người mẹ đẫm hơn bao giờ hết. Ba đứa tụ vào với nhau đi chơi, đi hát, đi ăn, đi du lịch, đi học khiêu vũ...

- Mai kia về hưu không biết còn buồn đến mức nào ! - Một đứa chép miệng.

- "Chòng chành như nón không quai" nhiều lúc bọn đàn ông cứ tưởng mình như bông hoa vườn công cộng, lão nào cũng cảm thấy mình có thị phần nên nhào vào tán tỉnh, rồi chẳng biết mình hư lúc nào đâu ! - Đứa khác nói.

- Lỗi tại bọn mày không phải là loại đàn bà xây dựng thôi - Chị kêu lên - Thấy nhà tốc mái đã vội phá nhà đi xây nhà chỗ khác. May mà các lão ấy còn chưa lấy thêm vợ đấy chứ nếu không thì chúng mày còn chán nữa.

- Ôi. Tao thì lại thấy, thà như thế này còn sướng gấp vạn lần phải gắn đời với lão chồng kiểu như chồng mày và chồng chúng tao. Mấy con kia nó thế chứ đời sống được là bao. Tội gì không vui hết mình. Thích ai thì cặp. Thích đi đâu thì đi chẳng ai quản lý. Rồi vài chục năm nữa nhắm mắt xuôi tay chết là hết. Thả các lão ấy ra. Thời này chỉ có đứa nào ngu mới hứng lấy các lão để kiếm tiền hầu cơm nước và thuốc thang. Đến mình bao năm chung sống chịu đựng đến mức chai lỳ mà còn không chịu nổi nữa thì chúng nó hai bàn tay trắng ngớp lên với tí tiền được chia sau ly hôn của lão chịu được mấy nỗi. Hôm nọ lão chồng tao định lấy vợ. Tao bảo con tao là phải bảo lão ra cơ quan luật làm cái "Xác định tài sản cá nhân trước khi cưới" ngay đi. Kẻo lấy nhau vài bữa bỏ nhau con kia cướp mất nửa tài sản của nó sau này đấy. Thế mà nghe lão nói xong con kia cao chạy xa bay ngay hahaha.... Mày bỏ chồng đi cho khỏe. Mình kiếm được tiền có phải bất tài vô dụng như các lão đâu mà sợ! - Con bé nghịch ngợm và thông minh nhất hội diễn thuyết.

Chị ra về. Lòng rất hoang mang. Chị rất thương con. Chị rất thương anh. Chị yêu cái gia đình của chị. Cái gia đình mà từ hai bàn tay trắng hai vợ chống chị gây dựng nên. Đến giờ thì "nhìn lên dẫu chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống cũng còn khối người chưa bằng mình".

Công bằng mà nói. Để chị có thể thành công như ngày nay thì anh chính là cái nền móng để chị phát triển. Nếu không có anh chắc không có những đứa con đáng yêu, những đứa con bắt chị phải nỗ lực mỗi ngày. Nếu không có anh chắc chị không yên tâm khi đi công tác xa hay ngồi với bạn bè, đối tác đến muộn vì sốt ruột việc ở nhà. Nếu không có anh có lẽ chị đã không tươi tắn vui vẻ vô tư tiếp xúc với các đối tác đàn ông trước bàn dân thiên hạ.....

Chị cũng nghĩ: Khổ thân anh, biết đâu anh lấy một con vợ yêu anh hơn, con vợ an phận, ít chữ và ngoan ngoãn luôn bằng lòng với cuộc sống gia đình thì chắc gì anh đã đổi tính đổi nết như thế. Bởi vì dẫu lương anh không cao, nhưng vào tay một bà vợ tằn tiện với hai bữa cơm rau dưa, trong ngôi nhà cấp bốn và những đứa con tốt nghiệp phổ thông xong, đi làm công nhân lao động chân tay vì không có tiền học lên nữa thì cũng đủ. Lúc đó lòng tự trọng của anh sẽ được vuốt ve. Bà vợ sẽ nhìn anh như nhìn cái nóc nhà và con cái sẽ xem ý kiến của anh như thánh chỉ.

Chị lại nghĩ: Anh được sinh ra là một cơ cấu thừa hành. Trước đây chị đã xác định mình là đầu tầu rồi. Nay hãy nghĩ rằng cái cơ cấu đó đã đến lúc có lỗi tí chút - nó lọc xọc kêu to rất khó chịu !

Bây giờ có hai khả năng:

Một là thay cái mới như tư bản thường làm là vứt béng cái cũ vào sọt rác.

Hai là rà sửa lại và thêm chút dầu mỡ để nó đỡ kêu hơn. Giữ gìn và nâng niu cùng với bao nhiêu kỷ niệm.

Băn khoăn và day dứt. Chị muốn chọn cách thứ hai nhưng lại tự hỏi lòng mình liệu chị có đủ nội lực để làm như thế được không chứ?

Chị cũng không biết mình có lựa sửa mài rà được lối tư duy của chính mình không nữa, để thấy rằng tiếng ồn đó cũng ...không đến nỗi nào ?

Giá như anh biết anh yêu thương vợ con mà đang làm vợ con chán nản lắm.

Anh đang ôm quá chặt đến mức làm họ đau. Hay như con gái viết nhật ký là:

"Mỗi sự quan tâm không đúng cách đều đem lại hậu quả"

Anh đang nhìn họ với con mắt của cô giáo lớp mầm non trong khi họ đã quá trưởng thành.

Họ cần một người bạn để chia sẻ và yêu thương chứ không cần một ông thầy suốt ngày rao giảng, hay một quan tòa lúc nào cũng phán đúng sai trong cái gia đình này.

Giá như anh biết được, anh hiểu được và biết điều chỉnh bản thân một chút thì tốt biết mấy.

Chị viết câu truyện này với ý nghĩ giá như nó được anh đọc và tự thấy mình cần phải đổi thay.

Chị biết, anh và chị đều muốn gia đình hoàn hảo và hạnh phúc hơn. Nhưng anh đang vô tình đầu độc và giết chết nó bằng thói quen đáng sợ của mình : BỆNH NÓI.

ƯỚC GÌ ...

ANH CHỊU CHỮA CĂN BỆNH CỦA MÌNH ĐỂ NHÀ MÌNH NGÀY NÀO CŨNG LÀ TẾT.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết