Diễn Đàn Tình Bạn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Kết bạn , giao lưu


You are not connected. Please login or register

Tiểu Thuyết Người Nhạc Sĩ Mù Chương 5

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

@ nhox_kid00z

@ nhox_kid00z
Thành viên Bạc
Thành viên Bạc

I

Vài năm trôi qua...

Không có gì thay đổi trong tòa lâu đài: Trong vườn, đám cây dẻ gai vẫn rì rào như trước, nhưng nay lá cây rậm rạp và xanh sẫm hơn. Ngôi nhà quét vôi trắng nom vẫn niềm nở như xưa, duy có mấy bức tường hơn lún xuống. Mái tranh của những chiếc nhà ngang vẫn nhăn nhúm. Iokhim vẫn chưa lấy vợ và vẫn coi ngựa như cũ; tiếng sáo của anh vẫn đều đặn cứ chiều đến lại từ tàu ngựa vọng lên. Chỉ khác là giờ đây anh thích nghe chính cậu chủ thổi sáo hoặc dạo dương cầm.

Cậu Mácxim, tóc cũng ngả hoa râm hơn. Ông bà Pôpenski không sinh hạ được thêm chút con nào nữa. Mọi sinh hoạt trong lâu đài vẫn quay quanh em bé mù như những ngày em mới lọt lòng. Chiếc lâu đài thu mình hẹp lại, nó an phận với cuộc sống lặng lẽ của mình, chỉ sát cánh với cuộc sống bên trại láng giềng cũng không kém phần bình thản.

Thành thử Pie lớn dần lên cho đến tuổi thiếu niên như bông hoa mọc trong gian nhà kính, không hề chịu ảnh hưởng mãnh liệt của cuộc sống xa lạ nào.

Vẫn như trước kia, Pie sống giữa một vũ trụ mênh mông mù mịt. Trên đầu và quanh mình em, đêm tối bao la vô hạn... Toàn thể con người em nó mảnh dẻ và quá ư dễ dàng xúc động, khác nào sợi dây đàn căng thẳng, sẵn sàng rung lên mỗi khi một ấn tượng bên ngoài va đến. Nhìn sắc mặt em càng thấy rõ nỗi chờ đợi nôn nóng ấy: nhiều lúc em có cảm giác đêm tối sắp vươn những bàn tay vô hình đến gần em và chạm vào cái gì trong linh hồn em đang thiu thiu ngủ chỉ đợi để thức dậy.

Nhưng đêm tối quen thuộc trong lâu đài, cái đêm tối êm đềm và một điệu ấy, chỉ văng vẳng đưa lại những tiếng thì thầm vuốt ve của khu vườn cổ xưa làm em đắm mình trong một giấc mơ mơ hồ êm dịu. Còn cái thế giới xa xôi, em bé mù chỉ biết qua những câu hát và sách vở. Trong tiếng thì thào như ru ngủ của khu vườn, trong những ngày êm lặng ở chốn đồng quê, những câu chuyện của những người thân kể cho em nghe chỉ mang lại cho em một tiếng vang rất yếu ớt của những ồn ào, bão táp của cuộc sống xa xăm. Tất cả những cái ấy đến với em như đã có phủ một bức màn kỳ ảo, như một câu hát, một câu chuyện cổ, hay một giấc mơ...

Mọi việc hình như hết sức tốt đẹp. Bà mẹ thấy tâm hồn con trai bà được vây kín như vậy nó thiu thiu trong một giấc mơ đắm người, giả dối, nhưng bình thản, bà chỉ sợ có điều gì không may đến bất ngờ làm tan vỡ.

Êvơlin lớn và tươi đẹp hẳn lên. Em ngắm nhìn cái không khí bình thản say mê đó với đôi mắt trong sáng, đôi khi lộ vẻ ngạc nhiên hồi hộp trước tương lai, nhưng không bao giờ gợn chút u ám vì nóng lòng sốt ruột. Công việc trong ấp trại, ông Pôpenski trông nom hết sức chu đáo, nhưng con người chân thật ấy rất ít quan tâm đến tương lai của đứa con trai. Ông đã quen việc gì cũng mặc nó, rồi khắc đâu vào đấy cả.

Duy có cậu Mácxim, bản tính khác hẳn. Cậu không chịu được cái không khí lặng lẽ ấy, cậu coi đấy dù chỉ là một tình trạng tạm thời, cũng đã nằm trong kế hoạch rèn luyện đứa cháu mù của cậu. Cậu thấy đứa cháu nay đã lớn, cần thiết phải tôi luyện tâm hồn cho nó để nó có thể chống đỡ được những va chạm mãnh liệt trong cuộc sống.

Trong khi ấy, bên ngoài cái vòng mê ảo đó, cuộc sống đang quằn quại, sôi sục và xoáy lộn. Rồi một hôm, ông giáo già quyết định phá vỡ cái vòng nhỏ hẹp, mở tung cửa căn nhà kính để một luồng gió mát mẻ bên ngoài có thể lùa tràn vào bên trong.





II

Bắt đầu, ông mời một ông bạn già ở cách lâu đài gia đình nhà Pôpenski ngót bảy mươi cây số, đến chơi. Xưa kia cậu Mácxim thường hay qua lại thăm ông Stavrútchenkô và bây giờ, cậu biết nhà ông ta đang có một số thanh niên đến chơi, nên trong thư cậu ngỏ ý mời tất cả.

Tiếp được thư mời, mọi người vui vẻ nhận lời. Hai ông già thân nhau đã từ lâu, còn tất cả bọn trẻ đều đã biết cái tên Mácxim Iátsenkô lừng lẫy trước kia, cái tên mang một số truyền thống tốt đẹp. Một anh con trai ông Stavrútchenkô đang theo học khoa ngôn ngữ học tại trường Đại học Kiép, là một khoa mà thiên hạ ưa chuộng nhất vào hồi đó. Còn một anh học nhạc ở viện Âm nhạc Pêtécbua. Hai anh rủ theo một cậu bạn, học sinh trường võ bị và là con một tay điền chủ ở ấp bên cạnh.

Ông già Stavrútchenkô người vạm vỡ, tóc hoa râm. Ông để bộ râu mép dài rủ xuống và mặc chiếc quần lụng thụng theo kiểu Côdắc. Vành thắt lưng lủng lẳng đeo chiếc píp và hộp thuốc lào. Khi nói chuyện ông thuần dùng tiếng Ukren. Đứng bên cạnh hai con trai vận áo dài trắng tinh và sơ mi theo lối Ukren, nom ông già giống hệt Tarát Bunba. Tuy nhiên ông tuyệt không có chút lãng mạn đặc biệt của nhân vật trứ danh của Gôgôn. Trái lại, ông là một tay điền chủ có đầu óc rất thực tế, trước kia đã sống quen với chế độ nông nô và đến khi chế độ này bị bãi đi, lại làm quen ngay được với hoàn cảnh mới.

Cũng như các tay điền chủ ở nông thôn khác, ông hiểu rõ người dân quê, nghĩa là thuộc từng tên mỗi người mu-dích (nông dân) ở trong ấp trại của mình, thuộc từng con bò của họ và biết cả số tiền trong túi mỗi người, chỉ sai lệch độ một rúp là cùng.

Ông không đấu quyền với hai con trai như Tarát Bunba, nhưng những cuộc đấu khẩu kịch liệt vẫn luôn luôn xảy ra giữa ba bố con. Ở nhà hoặc đến thăm ai, ở đâu cũng vậy, hơi một tí là giữa ông già và hai cậu con lại nổ ra tranh luận liên miên.

Thường bắt đầu ông già Stavrútchenkô nhại hai con là “lý tưởng chủ nghĩa”. Hai anh nóng mặt, ông bố nổi xung, thế là lại om sòm kịch liệt và cả hai bên lại tung ra những ý kiến chống đối nhau gay gắt.

Một cảnh tượng phản ánh tình trạng đối lập cổ điển của vấn đề “Cha con”, có điều khác là ở gia đình ông Stavrútchenkô, hiện tượng tranh chấp ấy diễn ra dưới một hình thức nhẹ đi nhiều.

Đám thanh niên đến nhà trường ăn học từ thuở nhỏ, chỉ nhìn thấy thôn quê vào những dịp về nghỉ hè mà những dịp này cũng rất ngắn, nên họ không hiểu biết được người nông dân một cách cụ thể như các “ông bố”, quanh năm sống ở nông thôn. Khi từ trong lòng xã hội dâng lên phong trào “yêu nhân dân” thì đám thanh niên còn đang theo học tại trường trung học. Họ cũng ra công nghiên cứu về nhân dân, nhưng nghiên cứu qua sách vở. Bước thứ hai đưa họ đi trực tiếp nghiên cứu cái thiên tài sáng tạo của nhân dân. Các sinh viên ăn mặc theo lối nông dân, áo ngoài trắng, sơ mi thêu, họ về nông thôn để tiếp xúc trực tiếp với nhân dân theo cái mốt thời đó. Họ không chú ý mấy đến việc nghiên cứu những hoàn cảnh kinh tế. Về nông thôn, họ ghi lấy những lời ca, điệu nhạc của những bài hát dân gian, nghiên cứu những câu chuyện cổ tích, so sánh những sự kiện lịch sử có ghi chép trong sách với những phản ánh của nó trong trí nhớ của nhân dân. Nói chung, họ nhìn người nông dân qua cái lăng kính nên thơ của một thứ lãng mạn dân tộc. Việc làm của họ, thực ra các cụ không có phản đối gì, nhưng các cụ vẫn không sao mà ăn ý với bọn trẻ được.

- Này, bác hãy nghe nó nói - ông giàStavrútchenkô, hích khuỷu tay bảo cậu Mácxim, trong lúc anh sinh viên con ông lão mặt đỏ bừng, mắt long lanh, hùng hồn diễn thuyết. Kìa! Bác hãy nhìn thằng nhãi, nó nói cứ như đọc trong sách. Nghe nói, ai không bảo nó giỏi. Nhưng này lại đây, nhà bác học của tôi ơi, ông hãy kể lại câu chuyện thằng Nêsipo nó phỉnh gạt ông ra sao cho tôi nghe cái nào !

Nói xong, ông lão rung đôi ria mép, phá lên cười. Vừa cười ông vừa kể lại câu chuyện con ông với anh chàng Nêsipo. Giọng ông nói hỏm hỉnh, cái giọng đặc biệt của người Ukren. Mấy cậu con đỏ mặt, nhưng cũng không chịu, cãi lại: “Tuy họ không biết rõ những cá nhân Phếtcô và Nêsipo ở một làng nào đó, nhưng trái lại họ đã nghiên cứu được những đặc tính của toàn thể nhân dân và đã đứng trên một quan điểm duy nhất cho phép rút ra được những kết luận và những điều khái quát thực rộng rãi. Họ nhìn được bao quát mọi triển vọng xa xôi, còn các cụ già vụ thực tiễn, ngập trong cổ hủ đến tận cổ, chỉ nhìn hết sức rõ từng cây mà không trông thấy cả toàn bộ đám rừng.”

Nghe con trai diễn thuyết cao xa, ông già cũng không thấy chướng tai chút nào. Ông khoái chí nhìn mọi người đang lắng tai nghe và nói:

- Kể ra chúng nó đi học cũng không đến nỗi toicông. Nhưng này! Dù sao ta cũng bảo cho các anh biết: thằng Phếtcô của tao tuy chỉ là một anh nông dân cục mịch, nó cũng xỏ mũi dắt được các anh như dắt con bê đấy! Hà! Hà!... Còn tao, cái thằng Phếtcô láu cá ấy, tao gập tư nó lại, nhét vào hộp thuốc lào này và cho vào túi. Nghĩa là với tao, các anh chỉ là lũ mèo nhắt so với con hổ lớn mà thôi.





III

Một cuộc tranh luận như vậy vừa chấm dứt. Hai ông già đi vào trong nhà. Qua cửa sổ bỏ ngỏ, còn thỉnh thoảng nghe tiếng ông già Stavrútchenkô khoái chá kể lại mấy câu chuyện khôi hài với đám người ngồi nghe cười giòn giã.

Mấy anh thanh niên ở lại ngoài vườn. Cậu sinh viên Kiép trải chiếc áo ngoài Ukren xuống cỏ, vo chiếc mũ lại để gối đầu, anh nằm xuống ra chiều thoải mái, điểm chút hợm hĩnh. Cậu anh cả, ngồi với Êvơlin trên bậc cửa. Anh chàng sĩ quan tương lai, áo cài khuy đến tận cổ, ngồi cạnh hai người. Hơi lánh xa một chút, Pie tựa khuỷu tay vào thềm cửa sổ, cúi đầu suy nghĩ về những câu tranh luận anh vừa nghe được, những câu đã làm anh vô cùng xúc động.

Cậu con trai ông Stavrútchenkô hỏi Êvơlin: - Thế nào, cô Êvơlin, cô nghĩ sao? Nếu tôi khôngnhầm thì hình như lúc nãy cô không bỏ sót một lời tranh luận nào của chúng tôi, có phải không?

- Tất cả cái đó rất đúng, nghĩa là những lời cácanh nói với ông cụ, nhưng...

- Nhưng... sao?

Cô bé không trả lời ngay. Cô đặt rổ khâu xuống đầu gối, đầu hơi ngả, cô trầm ngâm ngắm nghía chiếc áo đang thêu dở. Không hiểu cô sửa soạn câu trả lời hay cô suy nghĩ nên lấy miếng vải khác ra thêu.

Đám thanh niên nóng lòng chờ cô trả lời. Cậu sinh viên chống khuỷu tay, hơi nhổm người dậy, quay mặt lại tò mò nhìn Êvơlin. Anh chàng ngồi cạnh Êvơlin chòng chọc nhìn cô bé, lặng lẽ, thăm dò. Pie đổi chỗ, ra ngồi nơi khác. Anh đứng dậy ngẩng cao đầu lên, quay lưng về phía đám đông người.

Mắt vẫn chăm chú nhìn chiếc áo đang thêu, cô bé khẽ nói:

- Nhưng... riêng tôi, tôi thấy người ta ở đời, mỗi người có một con đường...

Anh sinh viên la lên:

- Trời ơi! Lời lẽ khôn ngoan quá! Cô Êvơlin, năm nay cô bao nhiêu tuổi ?

Cô bé thản nhiên đáp:

- Mười bảy

- Rồi cô hỏi tiếp luôn, giọng tò mò chấtphác và có phần như đắc ý nữa:

- Còn các anh, ý hẳn các anh tưởng tôi nhiều tuổihơn thế phải không?

Bọn thanh niên phá ra cười. Anh chàng nhạc sĩ nói:

- Ví ai có đố tôi đoán cô bao nhiêu tuổi, thực ra tôicũng lúng túng chả biết cô 13 hay 23. Thực thế đấy. Đôi khi tôi cảm thấy cô ngây thơ như một cô bé con, nhưng lắm lúc cô lại lý luận như một bà già từng trải.

Cô bé cúi xuống tiếp tục thêu, nghiêm trang nói:

- Này anh Gavrilô, câu chuyện đứng đắn phải lý luận cho đứng đắn.

Mọi người nín bặt. Mũi kim của Êvơlin lại đều đặn lách tách trên chiếc áo đang thêu. Còn mấy anh thanh niên tò mò ngắm cô Êvơlin bé người mà khôn ngoan rất mực.





IV

Rõ ràng là, từ buổi gặp Pie lần đầu tiên đến giờ, Êvơlin đã lớn lên nhiều, nhưng cái điều mà anh sinh viên nhận xét cũng hoàn toàn đúng. Thoạt nhìn cái thân hình cô bé mảnh dẻ, ai cũng tưởng cô là một em bé con, nhưng cái dáng điệu chậm rãi, cân nhắc của cô làm đôi khi nom cô rõ ra một thiếu phụ. Khuôn mặt cũng vậy. Hình như những khuôn mặt này chỉ có thể có ở những thiếu phụ Slavơ. Những nét mặt đều đặn, đẹp đẽ được vẽ theo những đường cong vững vàng và thon thon. Đôi mắt xanh nhìn bình tĩnh. Họa hoằn cô bé mới đỏ má, nhưng má cô không có cái màu tai tái thông thường, sẵn sàng gặp lúc trong đầu có khát vọng thiết tha gì, lại đỏ ửng lên, mà nó trắng như tuyết. Mái tóc vàng hoe của Êvơlin, hơi sẫm nâu trên đôi thái dương màu cẩm thạch, rủ xuống thành một bím nặng, như muốn kéo cái đầu lại đằng sau những lúc cô đi.

Pie cũng đã lớn. Lúc em ngồi lánh ra một chỗ, nhìn mặt em tái nhợt, cảm động và đẹp đẽ, chắc ai cũng phải ngạc nhiên về cái khuôn mặt kỳ dị đặc biệt của em, trên khuôn mặt mọi biến diễn trong tâm tư đều phản ánh lên rõ rệt. Mái tóc đen, mềm mại uốn gợn sóng trên chiếc trán gồ ra và sớm hằn mấy nếp nhăn. Đôi má em lắm lúc chợt đỏ ửng lên rồi lại tái nhợt đi, một màu tái đùng đục. Môi dưới hơi trễ ra ở đôi khóe mép, chốc chốc lại run run, hai hàng lông mày căng thẳng mấp máy lo âu. Đôi mắt to và đẹp im lặng nhìn, khiến cho khuôn mặt em thoáng đượm một vẻ u sầu kỳ dị.

Lặng im một lát, anh sinh viên nói, giọng châm biếm:

- Vậy ra cô Êvơlin cho là phụ nữ không sao hiểuđược tất cả những lời chúng tôi vừa nói, và giới hạn của phụ nữ là ở trong phạm vi chật hẹp một căn buồng với đàn con và cái bếp, có phải không ?

Giọng anh ta nói nghe có vẻ tự mãn và châm biếm khiêu khích (cái lối rất thịnh hành hồi đó). Mọi người nín lặng một lúc lâu, Êvơlin thấy nóng mặt, hai má đỏ ửng.

- Nhưng anh kết luận hơi vội. Tôi hiểu được tất cảnhững lời mọi người tranh luận ở đây, có nghĩa là những vấn đề ấy phụ nữ chúng tôi đều có thể hiểu được. Câu tôi nói vừa đây là nói riêng về phần cá nhân tôi.

Cô nói xong, lại cúi đầu chăm chú vào chiếc áo đang thêu, cô chăm chú quá làm anh sinh viên không dám hỏi thêm, chỉ lẩm bẩm nói:

- Nhưng cũng kỳ thực. Hình như cô đã sắp xếp trước cả cuộc đời của cô cho đến lúc nhắm mắt. Êvơlin bình tĩnh đáp:

- Có gì là lạ, anh Gavrilô ? Tôi thấy ngay anh IliaIvanôvích (tên anh học sinh trường võ bị) cũng đã sắp xếp được cuộc đời của anh ta, thế mà anh ta còn ít tuổi hơn tôi.

Anh học sinh võ bị rất hài lòng với lời nhận xét của Êvơlin:

- Đúng thế! Gần đây tôi có đọc tiểu sử của viêntướng trứ danh N.N... Ông ta đã suốt đời sống đúng theo chương trình ông ta vạch ra từ hồi còn trẻ: hai mươi tuổi cưới vợ, ba mươi lăm ra cầm quân, chỉ huy một binh đoàn.

Anh sinh viên cười châm biếm; Êvơlin hơi đỏ mặt. Một lát sau, cô bé thốt nhiên lạnh lùng nói:

- Đấy các anh xem. Mỗi người một con đường.

Không ai cãi lại. Mấy anh thanh niên nín lặng, thốt nhiên họ thấy hơi lúng túng. Mọi người đều nhận thấy vô tình câu chuyện đã chạm đến một tình cảm cá nhân rất tế nhị, và những lời nói giản đơn đã làm rung lên... một sợi dây nhạy cảm.

Trong cái yên lặng lúc đó chỉ nghe thấy tiếng thì thầm của khu vườn cổ lúc này cũng sa sầm lại như có điều gì bực bội.





V

Tất cả những câu chuyện trò, tranh luận, với biết bao nhiêu vấn đề mới, những hy vọng đợi chờ và bao nhiêu ý kiến, tất cả đột nhiên dồn dập xô đến với em mù. Thoạt đầu, em lắng nghe trong lòng hớn hở thầm phục, nhưng chẳng bao lâu em thấy cái làn sóng náo nhiệt ấy nó cuồn cuộn trôi bên cạnh mà không động gì đến em.

Không ai hỏi em một câu, không ai muốn biết ý kiến của em, em đứng tránh ra xa, một mình trơ trọi, càng thấy buồn hơn nữa vì cuộc sống trong lâu đài lúc này trở nên náo nhiệt hơn.

Tuy nhiên, em vẫn lắng nghe tất cả những cái mới lạ đối với em. Đôi lông mày nhíu lại, sắc mặt tái nhợt đủ biết em chăm chú nghe đến chừng nào, nhưng là một thứ chăm chú rầu rĩ của một khối óc đang suy nghĩ hết sức khó nhọc và chua chát.

Bà Ana nhìn con, lòng âu sầu buồn bã. Đôi mắt Êvơlin lộ vẻ thương hại, lo âu. Hình như chỉ có cậu Mácxim không nhận thấy cái đám đông ồn ào nọ đã tác động đến đứa cháu mù ra sao, cậu vẫn thân mật mời các bạn của cậu năng lại chơi và hứa lần sau sẽ tìm cho bọn thanh niên nhiều tài liệu về nhân chủng học.

Khách từ giã ra về, hứa ít bữa nữa sẽ trở lại. Lúc chia tay, bọn trẻ bắt tay Pie rất thân mật. Pie cũng đáp lại với mối hăm hở đột nhiên rồi đứng lắng nghe tiếng bánh xe lăn đi. Thốt nhiên em quay ngoắt người lại, đi vào trong vườn.

Sau khi khách ra về, mọi vật trở lại bình tĩnh. Nhưng Pie thấy cái bình tĩnh này nó lạ lùng, không quen. Hình như chính không khí cũng mách bảo có một cái gì rất quan trọng vừa xảy ra. Các lối đi trong vườn trở lại lặng lẽ, chỉ còn tiếng thì thầm của đám dẻ gai và mấy bụi đinh hương. Ở đây, Pie tưởng còn văng vẳng nghe thấy tiếng vang của những câu trò chuyện vừa qua.

Cửa sổ bỏ ngỏ, em nghe thấy tiếng mẹ em, Êvơlin và cậu Mácxim đang bàn cãi việc gì trong phòng khách. Giọng bà Ana như van lơn, đau đớn, Êvơlin như tức giận. Còn cậu Mácxim, Pie có cảm giác cậu đang kiên quyết kịch liệt chống lại ý kiến công kích của hai người. Khi Pie lại gần, tất cả ngừng bặt.

Cương quyết, không thương xót, cậu Mácxim đã chọc thủng mảng đầu tiên vào bức tường từ trước đến nay vẫn vây kín cái thế giới của đứa cháu yêu. Làn sóng đầu tiên ầm ĩ và mãnh liệt đã ùa tràn vào khe mở, làm rung chuyển cả cái thế thăng bằng trong tinh thần của em.

Giờ đây trong cái khung cảnh kỳ ảo của mình, em bé mù thấy chật hẹp quá. Em đã thấy khó chịu vì cái không khí yên tĩnh ru ngủ ở lâu đài nhà em. Càng ngày em càng thấy bực mình vì cái tiếng rì rầm lười biếng, tiếng thì thào của khu vườn già cỗi, em bực mình với cái khối óc non trẻ của em lúc nào cũng chỉ như thiu thiu ngủ. Nhưng bóng tối bắt đầu nói với em, những lời mới mẻ, du dương. Trong những bóng tối ấy có biết bao nhiêu là hình ảnh mới chồng chất lên nhau, chen đẩy nhau, hỗn độn nhưng quyến rũ.

Những bóng tối vẫn gọi em, làm em say mê, nó đánh thức dậy những bản năng đang thiu thiu ngủ trong tâm hồn em. Những tiếng gọi đầu tiên này làm da mặt em tái nhợt đi và một nỗi đau khổ âm thầm vơ vẩn đến vò nát trái tim em.

Những triệu chứng đáng lo ấy không lọt khỏi mắt bà Ana và Êvơlin. Chúng ta, những người có mắt sáng, chúng ta ngắm nhìn được trên khuôn mặt người khác mọi phản ánh của cảm xúc, vì lẽ đó chúng ta tập quen cái lối che đậy những cảm xúc của mình. Về phương diện này, người mù thực hoàn toàn không có vũ khí để che chở. Trên khuôn mặt tái nhợt của Pie mọi tình cảm lộ rõ, khác nào cuốn nhật ký để ngỏ trong phòng khách. Trên khuôn mặt em hằn rõ nét chua xót đau đớn. Bà Ana và Êvơlin biết cậu Mácxim cũng thấy rõ điều này, nhưng cái đó đã nằm trong kế hoạch của cậu. Cả hai đều cho cậu làm thế thực là tàn ác, và bà Ana nóng lòng muốn bênh vực cho đứa con yêu quý của bà.

“Một chiếc nhà kín ư? Thì đã làm sao! Cho đến bây giờ, con trai bà vẫn vui vẻ sống như vậy cơ mà? Thì cứ để cho nó ở đấy mãi mãi... khỏi gặp những lo âu bão táp.”

Êvơlin dè dặt hơn, cô không nói hết ý nghĩ của cô, nhưng từ ít lâu nay, đối với cậu Mácxim, thái độ cô bé đã có chút thay đổi. Khác hẳn trước, cô bắt đầu phản đối rõ rệt một số kế hoạch của cậu, lắm khi phản đối cả những cái không quan trọng lắm.

Qua hàng lông mày rậm, cậu Mácxim đưa mắt liếc nhìn Êvơlin, dò xét. Cậu gặp ngay đôi mắt bực bội nảy lửa của cô bé. Cậu gật gật đầu, mồm lẩm bẩm mấy câu, khói thuốc lại cuồn cuộn quấn đặc lấy người, mù mịt hơn mọi khi, chứng tỏ đầu óc cậu đang suy nghĩ hung lắm; nhưng cậu vẫn khăng khăng theo ý mình và đôi khi không rõ hẳn là nói ai, cậu đưa ra những câu khinh miệt cái tính chiều chuộng vô lý của đàn bà, khinh miệt cái óc thông minh hiểu biết nông cạn như phương ngôn đã nói: đầu óc đàn bà ngắn hơn mái tóc của họ, vì thế cậu thường bảo đàn bà thiển cận, không nhìn được xa ra ngoài cái đau khổ và cái vui mừng trước mắt. Cậu không mơ ước một cuộc đời bình thản yên lặng cho đứa cháu mù, cậu mơ ước cho nó một cuộc sống hết sức đầy đủ. Người ta bảo nhà giáo nào cũng cố công rèn đúc cho học trò giống mình. Cậu Mácxim thường mơ nghĩ đến cái mà bản thân cậu trước kia đã từng trải qua và đã sớm bị cướp mất, cậu mơ đến cuộc đời sôi nổi, đến chiến đấu. Bằng hình thức nào đây? Chính cậu cũng chưa biết. Cậu khăng khăng cố gắng hết sức mở rộng phạm vi những cảm giác bên ngoài có thể đến với đứa cháu mù của cậu; bằng cách liều đưa nó ra hứng lấy những xúc cảm mạnh mẽ, dù cho cả tâm hồn nó có vì thế mà bị đảo lộn cũng được. Cậu cảm thấy bà Ana và Êvơlin lại muốn làm khác hẳn.

Đôi khi cáu kỉnh, cậu đập đập đôi nạng xuống đất và trách chị:

- Chỉ nhắm mắt nuông con! Chỉ nhắm mắt nuôngcon!

Nhưng họa hoằn cậu mới cáu như vậy. Thường thường cậu chỉ đem những lời lẽ thân mật và tỏ lòng thương hại rộng lượng để khuyên chị. Vả lại, hễ ngồi một mình với cậu Mácxim, không có Êvơlin bên cạnh là bà Ana lại chịu lý lẽ ông em ngay, nhưng chỉ được ít lâu, bà lại đưa câu chuyện ra. Có mặt Êvơlin câu chuyện hóa gay hơn nhiều. Những lúc đó, cậu Mácxim chỉ nín lặng. Hình như giữa ông già và cô bé nhen lên một thứ tranh chấp và trong lúc này mỗi người còn giấu kín kế hoạch của mình, họ chỉ lặng lẽ nghiên cứu đối phương.





VI

Nửa tháng sau, ông già Stavrútchenkô lại dẫn các con đến chơi với gia đình ông bà Pôpenski. Lần này cô Êvơlin đón tiếp rất dè dặt. Tuy nhiên, cô bé cũng khó mà chống lại được cái vui vẻ và phấn khởi của tuổi trẻ. Suốt ngày, mấy anh thanh niên chỉ đi lượn trong làng, hay đi săn, hoặc ra đồng ghi lại những câu hát của đám thợ gặt. Chiều tối, tất cả quây quần trong vườn, ngồi trên những bậc gạch xây.

Một buổi chiều, Êvơlin chưa hiểu ra sao thì câu chuyện đã xoay đến vấn đề đời tư. Câu chuyện xoay ra làm sao? Ai mào đầu ra trước? Êvơlin cũng như mọi người, không ai rõ. Câu chuyện lan man đến lúc nào không biết y như đằng tây màu hồng đã tắt, bóng chiều đã tràn ngập xuống vườn mà không ai hay và trong bụi cây, con họa mi đã lấy giọng hát bài tình ca vui vẻ.

Anh sinh viên nói hăng lắm, anh nói với cả tấm nhiệt tình nóng hổi của tuổi trẻ lao mình ra đón lấy tương lai xa lạ, không tính toán, không suy nghĩ. Trong cái lòng tin tưởng vào một tương lai đầy kỳ ảo của anh, có một sức mạnh quyến rũ, một sức mạnh gần như không thể cưỡng lại được của thói quen...

Êvơlin thấy nóng mặt. Cô biết là những lời thách thức kia, có thể là vô tình, nhưng chính lại nhằm nói cô, chỉ riêng một mình cô. Êvơlin cúi nhìn chiếc rổ khâu, lắng tai nghe. Mắt long lanh, đôi má nóng ran, tim đập gấp...

Rồi ánh mắt mờ đi, đôi môi mím lại, tim đập mạnh thêm, mặt tái nhợt vì kinh hãi.

Êvơlin kinh hãi vì cái bức tường trước kia che lấp mặt cô, giờ đây đã sụp đổ và trước mắt lấp lánh biết bao nhiêu triển vọng xa xôi, mở rộng ra trong một thế giới mênh mông, sôi sục đầy hoạt động.

Phải, cái thế giới ấy đã lôi cuốn cô từ lâu. Cô cũng không hiểu rõ lắm, nhưng nhiều khi cô ngồi hàng giờ trong bóng cây ngoài vườn, trên một chiếc ghế dài vắng vẻ, lắng mình theo những giấc mơ kỳ dị. Óc tưởng tượng của cô vẽ ra trước mắt những hình ảnh huy hoàng rồi những hình ảnh ấy biến vào nơi xa xôi, ở đấy, anh Pie mù của cô không có chỗ đứng.

Giờ đây, cái thế giới ấy nó đang tiến lại gần. Lúc này nó không những chỉ hấp dẫn mà còn như thúc bách cô nữa.

Cô vội vã đưa mắt nhìn về phía Pie, trái tim thắt lại. Anh đang ngồi im lặng vẻ mặt trầm ngâm, bóng anh nặng nề trĩu xuống tưởng như một vết đen...

“Anh ấy hiểu... hết!”. Ý nghĩ ấy, đến với Êvơlin như một tia chớp nhoáng, cô rùng mình. Máu trong người quay dồn trở lại tim, Êvơlin cảm thấy mặt thốt nhiên tái nhợt đi. Cô thoáng tưởng tượng mình đã bay đến đằng kia, đến cái thế giới xa xăm nọ, còn Pie vẫn ở lại đây, trơ trọi một mình, đầu cúi gục xuống. Nhưng không... không phải ở đây... cái cậu bé mù đã làm cho cô khóc sướt mướt trong buổi chiều nọ... đang ở trên ngọn đồi nhỏ, bên bờ sông. Êvơlin kinh hãi, tưởng như có ai muốn rút lưỡi dao ngập sâu trong vết thương cũ của cô.

Êvơlin nhớ lại những lúc cậu Mácxim nhìn cô rất lâu! À ra thế đấy! Đôi mắt cậu yên lặng nhìn đượm bao ý nghĩa! Cậu hiểu tâm trạng của Êvơlin còn rõ hơn cả chính bản thân cô bé. Cậu đoán là trong trái tim cô có thể còn phải đấu tranh, cô còn có thể lựa chọn, còn chưa thực tin chắc ở mình... Nhưng không, cậu đã lầm! Cô không ngập ngừng trong bước đi đầu tiên của mình; và rồi đây cô sẽ xem cô còn nhận được những gì ở cuộc đời nữa. Êvơlin thở dài nặng nề như lấy lại hơi sau một buổi làm kiệt sức, cô đưa mắt nhìn xung quanh.

Cô không hiểu cái không khí im lặng ấy trùm lên đã lâu chưa, anh sinh viên thôi không ba hoa nữa đã từ bao giờ, và về sau, anh ta có nói thêm điều gì không...

Cô đưa mắt nhìn chỗ Pie ngồi ban nãy... Không thấy anh ngồi đấy...





VII

Êvơlin lặng lẽ thu xếp rổ khâu, đứng dậy nói với khách:

- Xin lỗi các anh, tôi phải đi đằng này một lát.

Rồi cô đi ra phía lối đi tối om ngoài vườn.

Chiều hôm đó, không phải chỉ riêng có Êvơlin lo lắng. Đến chỗ ngoặt ở lối đi, nơi có đặt một chiếc ghế dài, cô bé nghe thấy có tiếng ai run run cảm động. Cậu Mácxim đang nói chuyện với bà Ana.

Giọng cậu như gắt gỏng:

- Có, tôi đã nghĩ nhiều đến con bé cũng như đãnghĩ nhiều đến cháu nó. Chị phải nghĩ đây chỉ là một đứa trẻ con còn non dại. Tôi không tin được là chị lại muốn lợi dụng cái ngây thơ non dại của nó.

Giọng run run, đẫm nước mắt, bà Ana đáp:

- Nhưng cậu hãy nghe tôi nói... và nếu... nếu... nếucon bé... thì cháu nó sẽ ra sao?

- Ra sao thì ra!...

Người lính già xẵng giọng, quả quyết và buồn rầu.

- Sau hẵng hay. Nhưng dù sao cũng không được để lương tâm của nó cắn dứt vì thấy mình đã làm tan vỡ cuộc đời một người khác. Cả lương tâm chị và tôi cũng vậy.

Rồi cậu ôn tồn hơn nói:

- Chị Ana! Chị nghĩ lại xem.

Cậu cầm lấy tay chị, âu yếm hơn. Bà Ana cúi đầu suy nghĩ.

- Tội nghiệp con tôi. Con... con yêu quý của tôi! Thà con không gặp cho xong...

Lời rền rĩ thốt ra nhỏ quá, chỉ đọng trên đôi môi bà mẹ, Êvơlin đoán ra thì đúng hơn là nghe tiếng.

Mặt cô đỏ ửng. Cô ngừng lại như cái máy ở chỗ ngoặt. Lúc này nếu cô lại gần, hai người sẽ biết ngay cô đã nghe thấy hết những ý nghĩ thầm kín của họ.

Nhưng cô lại kiêu hãnh ngẩng ngay đầu lên. Cô không hề có ý định rình hai người và dù sao, cái thứ xấu hổ không phải lối cũng không cản được con đường cô đang đi. Vả lại cái cậu Mácxim cũng quá ôm đồm, đi vơ lấy trách nhiệm vào mình... Cuộc đời cô, là thuộc riêng cô, cô muốn thu xếp ra sao thì có việc gì đến ông lão!

Cô rẽ vào lối ngoặt, đi qua mặt hai người, vẻ mặt bình tĩnh, đầu ngẩng thẳng. Cậu Mácxim vội gạt chiếc nạng sang bên để nhường lối. Còn bà Ana chỉ đưa mắt nhìn cô bé, cái nhìn nặng buồn, đầy thương yêu, gần như sùng kính và sợ hãi. Bà cảm thấy cái cô bé tóc vàng hoe vừa đi qua trước mặt, với vẻ thách thức đầy kiêu hãnh kia, đang nắm trong tay cái hạnh phúc hay tai họa suốt đời của con trai bà.





VIII

Trong xó cùng đầu vườn, có một chiếc máy xay cũ bỏ hoang phế. Bánh xe không chạy đã từ lâu lắm, rêu phủ cả trục xe và qua những tấm ván chắn cửa cống, nước rỉ từng tia nhỏ rì rào, suốt ngày đêm. Pie thích ra chỗ này, nhiều khi ngồi hàng giờ, tựa mình vào thân đập, lắng nghe nước róc rách, để sau phổ tiếng vào đàn dương cầm nghe tuyệt diệu. Nhưng giờ đây, đầu óc anh để tận đâu đâu. Anh nện mạnh gót chân xuống đường, lòng vô cùng chua chát, mặt nhăn nhó đau đớn.

Nghe thấy tiếng chân Êvơlin bước nhẹ, anh đứng lại, Êvơlin đặt tay lên vai anh và nghiêm trang hỏi:

- Anh Pie, anh có điều gì vậy? Vẻ mặt anh cớ saobuồn bã thế?

Pie quay ngoắt người đi, chân nện mạnh trên con đường nhỏ. Êvơlin đi theo bên cạnh. Cô đã biết vì đâu Pie có cử chỉ sỗ sàng và lại yên lặng làm thinh như vậy. Cô cúi đầu một lát. Từ phía lâu đài có tiếng hát đưa lại:

Phía sau dãy núi,

Có đàn phượng bay...

Chúng bay, chúng kêu

Tìm mồi sục sạo...

Tiếng hát từ xa nghe văng vẳng, giọng trẻ trung mạnh mẽ, ca ngợi tình yêu hạnh phúc, ca ngợi những khoảng rộng mông mênh. Tiếng hát chập chờn trong không khí yên tĩnh ban đêm, át cả tiếng thì thầm âm u của khu vườn.

Đằng kia, có những con người sung sướng, đang ca ngợi một cuộc đời tình cảm đầy đủ, phong phú. Vừa cách đây mấy phút, Êvơlin còn ngồi với họ, cô say sưa khi nghĩ đến một cuộc sống như vậy, nhưng trong đó, Pie không có chỗ đứng. Anh đứng dậy đi lúc nào cô cũng không rõ. Những phút cô đơn đau đớn ấy với anh nó dài dặc biết bao nhiêu!

Trong lúc đi bên cạnh Pie, dọc theo con đường trong vườn, những ý nghĩ ấy cứ quay cuồng trong đầu óc Êvơlin. Chưa bao giờ cô thấy khó nói với Pie, chưa bao giờ cô thấy khó làm cho bạn cô khuây khỏa được như lúc này. Tuy nhiên, cô cũng cảm thấy có mặt cô, những ý nghĩ đen tối trong óc của Pie cũng tan dần.

Quả vậy, Pie bước đi mỗi lúc một bớt vùng vằng hấp tấp, vẻ mặt trở nên bình tĩnh hơn. Nghe thấy tiếng chân Êvơlin đi bên cạnh, anh cũng thấy phần nào nỗi đau đớn trong lòng dịu dần, nhường chỗ cho một thứ cảm giác khác. Anh cũng chưa rõ đấy là thứ cảm giác gì, nhưng anh thấy nó quen quen, nên vui lòng để nó tràn ngập vào người cho dễ chịu.

Cô bé nhắc lại:

- Kìa, thế anh có điều gì?

Pie chua chát đáp:

- Có gì lạ đâu. Tôi chỉ thấy hình như trên đời này,tôi là một kẻ sống thừa.

Tiếng hát từ phía nhà đưa lại đã tắt. Một lát sau, có tiếng hát khác vẳng lên, lần này nghe không rõ lắm. Cậu sinh viên đang hát một bài Đumka Ukren cổ, bắt chước lối hát của những người hát rong thuở xưa. Chốc chốc giọng hát lặng xuống, óc tưởng tượng trở nên mơ mộng bâng khuâng, nhưng chỉ một lát sau điệu hát êm ái lại cất lên hòa lẫn vào tiếng thì thầm của đám lá cây.

Bất giác Pie đứng lắng tai nghe, buồn rầu nói:

- Cô biết đấy, đôi lúc tôi thấy điều các cụ nói đời sống càng ngày càng tồi là đúng.

Xưa kia, cuộc sống dễ dàng hơn, cả với người mù cũng vậy. Nếu sinh vào thời ấy, tôi không dùng đàn dương cầm, mà với chiếc băng-đu-ra tôi sẽ đi khắp đó đây, hết thành thị đến thôn quê... Người ta sẽ lũ lượt kéo đến nghe tôi ca ngợi cuộc sống, ca ngợi những chiến công và vinh quang của ông cha họ. Và như vậy, tôi tuy mù cũng giúp được chút ích gì trong cuộc sống. Còn ngày nay... Ngay cả đến cái cậu học sinh võ bị có giọng nói the thé, chắc cô còn nhớ cậu ta nói thế nào: cưới vợ và chỉ huy một đạo quân, tất cả ai cũng cười cậu ta, thế mà... chỉ có thế, tôi cũng không hy vọng gì...

Cô bé trố đôi mắt xanh nhìn kinh hãi, một giọt nước mắt long lanh. Cô vội nói:

- Tất cả cái này là lỗi ở anh Stavrútchenkô cứ liến thoắng cái mồm

- Cô bé lo lắng nhưng cũng cố làm ra giọng nói đùa.

Pie ngẫm nghĩ:

- Phải, có lẽ thế. - Rồi anh nói thêm. - Anh ta có giọng nói vui tai nhỉ? Anh ta có đẹp trai không? Êvơlin cũng mơ màng, gật đầu đáp:

- Phải, anh ta người duyên dáng.

Nhưng cô lập tức chữa lại, xẵng giọng gần như cáu kỉnh:

- Không, tôi không ưa hắn ta chút nào. Người đâu ăn nói bộp chộp quá. Giọng cứ ồ ồ chán tai lạ.

Pie thấy Êvơlin tự nhiên phát cáu, lấy làm ngạc nhiên.

Cô bé giậm chân nói tiếp:

- Tất cả chỉ toàn những chuyện tầm bậy, tôi biết mà, tất cả chỉ là do mưu mô cái ông già Mácxim! Ồ! Sao mà tôi căm ghét ông ấy thế!

Pie ngạc nhiên hỏi:

- Êvơlin, cô nói gì? Cô nói mưu mô nào?

Êvơlin khăng khăng nhắc đi nhắc lại:

- Tôi căm ông ta lắm! Tôi oán ông ta lắm. Tất cả những tính toán đã bóp chết trái tim ông ta. Thôi em van anh. Anh đừng nói với em những điều ấy nữa. Anh đừng nói đến nữa. Tại sao ông ta lại tự cho mình có quyền xếp đặt cuộc đời của người khác?

Thốt nhiên Êvơlin ngừng lại, vò vặn đôi bàn tay nhỏ nhắn mạnh quá làm ngón tay kêu răng rắc, rồi cô nức nở òa ra khóc như đứa trẻ con.

Kinh ngạc, thương xót, Pie cầm lấy tay Êvơlin. Cô bạn của anh xưa nay vốn dè dặt như thế mà nay tự nhiên nóng nảy làm vậy, thực không bao giờ, thực khó hiểu quá... Anh vừa nghe tiếng Êvơlin nức nở khóc, vừa lắng nghe tiếng khóc ấy vang dội rất lạ lùng vào tận trong trái tim của anh. Anh nhớ lại những năm qua. Anh ngồi trên ngọn đồi nhỏ, cũng buồn bã như bây giờ và Êvơlin ngồi bên cạnh anh cũng nức nở khóc như hôm nay...

Sau cùng, Êvơlin buông tay. Pie ngạc nhiên thấy cô bé bật ra cười:

- Trời ơi! Kìa sao tôi lại ngốc đến thế! Sao tôi lại khóc cơ chứ?

Cô lau nước mắt và nói, giọng êm ái, run run cảm động:

- Không, anh ạ. Chúng ta phải công bằng mà nói: Cả hai anh ấy, họ đều duyên dáng. Và cái điều mà anh sinh viên nói lúc ấy cũng rất đúng. Nhưng cái đó không phải đúng cho tất cả mọi người.

Pie nói:

- Thì cũng đúng cho tất cả những ai có điều kiện.

- Tầm bậy nào!

Cô bé trong trẻo trả lời, mặc dầu trong cái mỉm cười vẫn còn dòng nước mắt ban nãy. Đấy, hẵng cứ lấy cậu Mácxim làm gương. Lúc còn sức mạnh, cậu ấy đã hết sức tranh đấu và nay phó mặc cuộc đời. Chúng ta cũng vậy...

- Đừng nói “chúng ta” cô ạ. Cô lại là một chuyện khác!

- Có khác gì đâu?

- Tại sao?

- Tại... tại vì anh sẽ lấy em làm vợ cơ mà, có phải thế không? Rồi chúng ta sẽ sống chung một cuộc đời.

Pie ngừng bặt, sững sờ:

- Tôi?... Tôi sẽ lấy cô? Vậy, cô muốn làm... vợ tôi ư?

- Chứ sao! Ý em nhất định thế rồi!

- Cô bé trả lời vội vã, giọng run run

- Sao anh ngốc thế! Có thực là anh chưa hề bao giờ nghĩ đến điều đó không? Thế mà đấy là một việc hết sức đơn giản. Nếu anh không lấy em, còn lấy ai?

- Phải, nhất định thế!

Do một thứ ý nghĩ ích kỷ kỳ lạ, nghe Êvơlin nói, Pie liền gật đầu, nhưng anh ngừng lại ngay. Anh nắm tay cô bạn và bảo:

- Này, Êvơlin, cô hãy nghe tôi. Lúc nãy chúng ta chả vừa nghe các anh ấy nói là ở các tỉnh lớn, con gái được đi học... Cô cũng vậy... trước mắt cô con đường rộng rãi có thể mở ra... còn như tôi...

- Thì sao?

- Còn tôi... tôi mù!

Pie ấp úng kết luận, chả ra đầu đuôi làm sao.

Pie lại nhớ lại hồi còn bé, anh nhớ lại tiếng nước sông nhè nhẹ bập bềnh, nhớ buổi gặp Êvơlin lần đầu tiên, và lúc anh nói đến tiếng “mù” làm cô bé đau đớn nức nở khóc.

Tự nhiên, anh thấy giờ đây anh lại làm Êvơlin đau khổ như trước kia, nên anh nín bặt. Mấy phút yên lặng, chỉ còn nghe tiếng nước nhẹ nhàng róc rách trong cửa cống. Không thấy tiếng Êvơlin, người ta tưởng như cô đã biến đi đâu mất. Êvơlin nhăn mặt một lát, nhưng cố nén mối xúc cảm, và khi nói, tiếng cô nghe vui vẻ, vô tư lự:

- Này anh Pie! Phải, anh mù. Nhưng nếu có mộtngười con gái lại yêu một anh chàng mù, thì cô ta cứ lấy... Chuyện đời như thế đấy anh ạ, anh muốn thế nào?

Pie ngẫm nghĩ, nhắc lại:

- Nếu một cô con gái yêu...

Đôi hàng lông mày anh nhíu lại. Hình như anh cân nhắc cái âm thanh mới mẻ của lời nói thân thuộc. Anh hỏi lại, giọng càng thêm cảm động:

- Nếu cô ta yêu?

- Phải đấy, anh và em, chúng ta yêu nhau... Kìa, sao anh ngớ ngẩn thế? Anh thử nghĩ kỹ xem, không có em, anh có thể sống một mình ở đây được không?

Pie tái người đi, đôi mắt mù đờ đẫn, mở to và không động đậy.

Vẫn yên lặng như tờ, chỉ có tiếng nước róc rách. Đôi lúc tiếng róc rách như lịm đi, rồi tắt hẳn, nhưng một lát sau, lại thấy vẳng lên như để rì rào mãi mãi không thôi. Trong bụi anh đào, vòm lá tối om xào xạc: Tiếng hát gần nhà không còn thấy vẳng lại. Một con họa mi nấp trong bụi rậm mọc sát bờ ao cất tiếng hát líu lo.

- Thì tôi sẽ chết mất.

Pie trả lời, giọng trầm xuống. Đôi môi Êvơlin run run như ngày hai người mới gặp nhau. Cô cố nói giọng khe khẽ, ngây thơ:

- Cả em cũng vậy... không có anh, một mình em... lẫn vào trong cái thế giới xa lạ...

Pie nắm chặt bàn tay Êvơlin. Anh lấy làm lạ vì lần này, trong cái ép nhẹ của bàn tay Êvơlin, anh thấy nó không như những lần trước kia: giờ đây, những ngón tay nhỏ nhắn của Êvơlin khẽ cử động cũng vang vang mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào tận đáy lòng anh. Giờ đây, anh cảm thấy người bạn thân từ thuở nhỏ của anh đã thành một cô Êvơlin khác hẳn, một cô con gái khác, khác hẳn người mà anh quen biết từ trước. Anh thấy mình mạnh mẽ, cường tráng, còn Êvơlin thì yếu ớt, sướt mướt. Lòng anh cảm thấy yêu mến tha thiết, một tay anh kéo Êvơlin lại gần, còn một tay anh vuốt ve mái tóc của cô.

Mọi phiền muộn trong đầu Pie như dịu xuống hết. Anh không còn mong ước điều gì khác, với anh, không còn gì ngoài cái phút êm đềm lúc này.

Một con họa mi tập hót, cất giọng hót những tiếng véo von vang lên trong khu vườn yên tĩnh.

Cô bé rùng mình. E lệ, cô sẽ gỡ tay Pie. Anh buông ra ngay và hít một hơi dài. Anh lắng nghe Êvơlin sửa lại mái tóc. Trái tim anh đập mạnh, nhưng đều đặn, vui vẻ. Anh thấy máu nóng ấm trong người chạy khắp cơ thể với một sức mạnh mới. Một lát sau, Êvơlin bảo Pie: “Thôi, chúng ta vào trong nhà với khách đi”. Giọng cô nói cũng như mọi ngày thế thôi, thế mà Pie ngạc nhiên, anh thấy cái giọng nói thân yêu ấy nay vang lên những âm thanh hết sức mới mẻ.





IX

Trong phòng khách, chủ nhà và khách đã đông đủ. Chỉ còn thiếu Êvơlin và Pie. Cậu Mácxim cùng ông bạn già nói chuyện với nhau. Mấy anh thanh niên lặng lẽ đứng gần mấy chiếc cửa sổ mở rộng nhìn xuống vườn. Mọi người đều trầm ngâm như có gì báo hiệu một tấn kịch mơ hồ sắp xảy ra, không ai biết rõ, nhưng ai nấy đều như do linh tính đã biết trước. Ai cũng để ý thấy vắng Êvơlin và Pie. Vừa nói chuyện, cậu Mácxim vừa băn khoăn đưa mắt nhìn ra phía cửa. Vẻ mặt bà Ana rầu rĩ như người bị lương tâm cắn rứt, bà phải hết sức cố gắng để tỏ ra vẫn nhã nhặn, vẫn chăm chú đến khách. Duy có ông Pôpenski, cứ vô tư lự và béo tròn ra hơn bao giờ hết, ông thiu thiu ngủ ngay trên ghế, trong lúc đợi cơm.

Khi thấy có tiếng chân nện trên lối đi từ vườn vào phòng khách, mọi người đều dồn mắt về phía ấy. Trong khung cửa tối om, thấy bóng Êvơlin và theo sau là Pie đang thong thả bước lên bậc thềm cửa.

Cô bé cảm thấy mọi người tò mò chăm chú nhìn mình, nhưng cô không hề bối rối. Cô thản nhiên đi vào buồng, bước đi đều đặn. Khi bắt gặp cặp mắt nhìn vội vã của cậu Mácxim, môi cô thoáng một nụ cười đáp lại, đôi mắt long lanh thách thức chế nhạo. Bà Ana nhìn chăm chú từng cử chỉ của con trai.

Pie theo Êvơlin mà hình như cũng không hiểu cô bé dẫn mình đến đâu. Thốt nhiên anh ngừng lại nơi thềm cửa. Trong phòng đèn thắp sáng. Khuôn mặt tái nhợt và thân mình mảnh khảnh của anh nổi bật lên trong khung cửa. Anh bước vào, lanh lẹ lại gần chiếc dương cầm, vẻ mặt như lơ đãng, như chăm chú.

Nhạc tuy là một yếu tố thường xuyên trong cuộc sống ở cái lâu đài êm lặng này, nhưng nó vẫn là một yếu tố rất thân mật, có thể nói là một yếu tố đặc biệt gia đình. Những ngày trong nhà có khách ồn ào, ca hát, cậu nhạc sĩ nhà nghề con ông Stavrutchenkô thường hay dạo dương cầm, nên Pie không hề bước lại gần chiếc đàn.

Cái lối giữ kẽ ấy càng làm Pie lu mờ trong cái đám đông người nhộn nhịp. Thấy con mình mờ mịt trong đám ồn ào, vui vẻ, bà Ana xót xa nhìn theo cái bóng mờ tối của con trai. Giờ đây, lần đầu tiên Pie bước lại chỗ trước kia anh vẫn quen ngồi. Anh như vô tình bước lại, nhưng bước chân quả quyết, hình như anh đã quên hẳn là trong nhà có khách. Vả lại khi anh cùng Êvơlin bước vào, trong phòng yên lặng như tờ, nên anh dễ tưởng là bước vào chỗ vắng không.

Nhấc chiếc nắp, Pie khẽ lướt mặt phím đàn làm bật lên mấy tiếng nhẹ nhàng mau lẹ, như ướm hỏi chiếc dương cầm, như trầm ngâm tự hỏi. Sau, đặt tay lên những phím đàn, anh lắng mình trong suy nghĩ. Phòng khách lại càng im lặng hơn.

Đêm tối nhòm qua mấy chiếc cửa sổ tối om. Một vài chỗ, mấy cành cây xanh ngắt lấp lánh ánh đèn, cũng tò mò vươn mình ngó vào trong buồng. Cái âm vang mơ hồ của chiếc đàn vừa lắng xuống đã làm mọi người bồi hồi cảm động, cái cảm hứng kỳ dị phảng phất trên khuôn mặt tái nhợt của anh mù làm mọi người kinh ngạc, ai nấy ngồi yên lặng chờ đợi. Tay vẫn đặt im trên mặt phím đàn, Pie không nhúc nhích, ngước đôi mắt mù lên trần nhà như lắng nghe những tiếng mơ hồ tận đâu đâu. Như những lớp sóng dồn dập, biết bao nhiêu cảm giác vô cùng phức tạp đang nổi lên xáo động trong đầu óc anh. Một cuộc sống xa lạ cuồn cuộn trào đến, nhấc bổng anh lên như nước thủy triều ngoài biển cả nhấc bổng một chiếc tàu đã bình tĩnh yên nghỉ từ lâu trên bãi cát khô. Trên khuôn mặt ngơ ngác, như muốn hỏi han điều gì, một mối cảm xúc kỳ dị chạy hằn thành những bóng tối lướt nhanh. Đôi mắt mù như thăm thẳm tối om.

Hình như những âm thanh anh đang chăm chú lắng nghe, anh không tìm thấy trong tâm hồn. Nhưng về sau, vẻ mặt anh vẫn cứ ngơ ngác và như không còn mong đợi gì, Pie rùng mình, tay lướt phím đàn và bị một lớp sóng cảm giác khác đến nhấc bổng lên, cuốn cả người đi, anh lắng mình vào trong điệu nhạc.





X

Với người mù, việc sử dụng một nhạc cụ ghi số thực hết sức khó khăn. Nốt nhạc ghi nổi bằng những dấu riêng, xếp thành hàng như những hàng chữ trong sách, một dấu chấm than đặt trong những khoảng cách để phân biệt những nốt trong một hòa âm. Tất nhiên người mù phải học thuộc lòng và tập cho quen riêng từng tay một. Do đó công việc hết sức phức tạp.

Nhưng lòng ham mê từng chi tiết một của cái công việc khó khăn này đã giúp Pie rất nhiều. Sau khi học thuộc lòng vài đoạn và luyện tay nào cũng thạo, anh đến ngồi trước dương cầm. Khi những chữ “nổi” ngoằn ngoèo nọ biến thành những hòa âm êm ái, anh thấy ngây ngất trong người và say mê, nên không những anh không thấy cái công việc đó bạc bẽo, mà nó lại quyến rũ anh là đằng khác.

Tuy nhiên giữa bài nhạc viết trên giấy trắng và khúc nhạc phổ vào đàn, đánh lên thành tiếng, còn biết bao nhiêu quá trình trung gian xen kẽ. Trước khi một dấu nhạc biến được thành một phần âm điệu, dấu đó còn phải qua hai bàn tay, ghi sâu vào trí nhớ rồi đi ngược lại đến đầu ngón tay để dìu dặt trên phím đàn. Ngoài ra, óc tưởng tượng về nhạc của Pie rất mạnh, đã giúp nhiều vào việc học tập phức tạp và làm cho bản nhạc anh dạo có một sắc thái riêng. Những hình thức mà khiếu âm nhạc của Pie hướng theo, chính là những hình thức của những bản nhạc anh được thưởng thức lần đầu, và còn là hình thức những bản nhạc mẹ anh thường dạo về sau. Nói khác đi, đấy chính là những hình thức âm nhạc dân gian vẫn luôn luôn âm vang trong Pie và qua những hình thức đó, thiên nhiên đi vào tâm hồn anh.

Giờ đây, trái tim hồi hộp, tâm hồn tràn ngập xúc cảm, anh dạo một khúc nhạc Ý. Anh mới dạo vài tiếng, bản đàn đã thấy một cái gì riêng biệt của anh, người nghe ai nấy nhìn nhau, kinh ngạc. Và chỉ vài phút sau, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Duy có cậu con trai ông Stavrutchenkô, một nhạc sĩ chuyên nghiệp, là còn ngẫm nghĩ mãi về ngón đàn của Pie. Anh ta cố gắng nắm vững bản nhạc vốn quen thuộc kia rồi phân tích cách chơi lạ lùng của nhà dương cầm mù.

Dây đàn rung vang lên. Tiếng đàn réo rắt tỏa khắp nhà, tràn ra cả khu vườn yên lặng. Đám thanh niên mắt long lanh tò mò, vui thích. Ông già Stavrutchenkô cúi đầu, yên lặng lắng tai nghe, mỗi lúc một thêm thích thú. Ông lấy khuỷu tay hích cậu Mácxim, thì thào:

- Chơi thế tôi mới cho là giỏi! Giỏi lắm! Ông thấy thế nào? Tôi nói đúng không?

Tiếng đàn càng vang lên thì ông lão hay gây gổ xưa kia càng nhớ lại một điều gì, chắc ông hồi tưởng lại cái thời còn trai trẻ, đôi mắt ông thốt nhiên long lanh, mặt đỏ bừng, ông đứng thẳng người dậy. Ông giơ nắm tay suýt nữa đấm mạnh xuống bàn, sau lại thôi, chỉ sẽ từ từ đặt xuống, không một tiếng động. Ông già nhìn vội mấy cậu con trai, vuốt ria mép rồi cúi người, ghé tai cậu Mácxim nói:

- Tụi nhãi này nó cho là bây giờ bọn mình vô dụng... láo thực! Ngày xưa, tôi với ông, bọn mình...và ngay cả bây giờ... Có đúng không hở ông?

Cậu Mácxim vốn không ham âm nhạc lắm, nhưng lần này, trong bản nhạc cậu học trò ông dạo, ông cũng thấy có cái gì mơi mới. Khói thuốc tỏa quanh người, ông lắng nghe, gật gật đầu đưa mắt hết nhìn Pie lại nhìn Êvơlin. Một lần nữa, cuộc sống lại đột nhiên xen vào đường lối giáo dục của ông một cách thực bất ngờ.

Bà Ana cũng đưa mắt nhìn Êvơlin như dò hỏi. Bà nghĩ bụng không hiểu bản đàn đang dạo, vang lên hạnh phúc hay đau buồn của con trai bà.

Êvơlin ngồi khuất sau bóng chiếc chụp đèn. Trong bóng tối lờ mờ, chỉ thấy rõ có đôi mắt cô lúc này nom to và đen hơn. Duy có Êvơlin là người hiểu được cái ý nghĩa đích thực của bản nhạc. Tiếng nhạc nghe như tiếng nước thánh thót trong mấy chiếc cửa cống cũ nát, tiếng mấy cây anh đào thì thầm trong lối đi đẫm bóng chiều hôm.





XI

Điệu nhạc đổi đã từ lâu, Pie thôi không dạo bản nhạc Ý, đang buông mình theo trí tưởng tượng. Anh hình dung thấy tất cả những cái dồn dập trong ký ức anh mấy phút trước đây, lúc anh ngồi cúi đầu lắng nghe những cảm xúc trong những ngày qua. Nào tiếng nói của thiên nhiên, tiếng gió rì rào, tiếng khu rừng thì thầm, tiếng nước vỗ bập bềnh ngoài sông và một thứ thì thào mơ hồ tắt dần trong xa xăm. Tất cả ngần ấy thứ tiếng quấn quít lấy nhau, vang dội trên nền một thứ cảm xúc khó tả, nó làm ta nở nang gan ruột, và làm tự trong tâm hồn ta nảy ra tiếng nói huyền diệu của thiên nhiên. Đấy có phải là nỗi buồn không? Thế tại sao lại êm đềm đến thế? Niềm vui chăng? Nhưng sao lại man mác thấm thía làm vậy?

Đôi lúc, tiếng đàn lắng hơn lên, nhưng lúc đó mặt Pie nom khắc khổ lạ lùng. Hình như chính anh cũng ngạc nhiên khi thấy những âm điệu ngẫu nhiên phát ra, sao nó mạnh mẽ thế, và anh còn ngóng đợi một cái gì... Hình như sắp vang lên những phép lạ phối hợp những âm thanh quyện vào dòng thác nhịp điệu mạnh mẽ và tráng lệ, và trong lúc đó người nghe ai nấy đều ngẩn ngơ chờ đợi. Nhưng chưa lên cao đủ sức, bản đàn thốt nhiên trầm xuống như thì thầm, than vãn, khác nào một ngọn sóng xô vỡ tung tóe thành đám bọt. Và mãi về sau còn vang lên những âm thanh chua chát của thất vọng và ngờ vực.

Đôi khi Pie lặng bặt một lát, trong phòng khách liền im phăng phắc, chỉ có tiếng cây rì rào ngoài vườn. Cái không khí huyền ảo làm người nghe say mê và đưa họ ra khỏi căn nhà tầm thường, cái không khí ấy biến đi, căn phòng lại càng như nhỏ hẹp lại. Bóng đêm tối nhòm qua cửa sổ cho đến lúc nhạc sĩ lấy lại sức, đưa tay lên phím đàn bắt đầu dạo.

Tiếng đàn lại càng mạnh, và bay, bay mãi, mỗi lúc một cao như để tìm kiếm một cái gì. Hòa với điệu nhạc là mấy mẩu dân ca, khi yêu đương tha thiết, lúc buồn bã sầu não, hoặc gợi nhớ lại những phút đau đớn hay vinh quang, lại có lúc ồn ào vui vẻ, đầy dẫy hy vọng trẻ trung. Anh nhạc sĩ mù thể hiện tình cảm của anh qua những hình thức quen thuộc như vậy.

Nhưng bài ca vẫn lại ngừng ở cũng cái tiếng đàn ảo não; rung lên trong cái vắng lặng của phòng khách như một câu hỏi không có lời đáp lại.





XII

Khi những tiếng đàn cuối cùng tắt hẳn, bà Ana nhìn con trai, thấy vẻ mặt con lại giống như bận nào. Bà nhớ lại cái ngày mùa xuân nắng ráo, con bà nằm lăn ra bên bờ sông do cảnh vật mùa xuân kích thích, gây nên những cảm xúc quá mạnh.

Nhưng chỉ có bà nhận thấy. Trong phòng khách ồn ào, ông già Stavrútchenkô nói to gì với cậu Mácxim. Mấy anh thanh niên cảm động siết chặt tay Pie và khen anh có một tiền đồ nghệ thuật rực rỡ.

Cậu con cả ông Stavrútchenkô nói:

- Phải, phải, đúng thực. Âm điệu dân ca anh nắm vững lắm, anh luyện thành thạo quá! Nhưng này, bản nhạc anh dạo ban đầu là bản nào đó?

Pie nói tên bản nhạc Ý.

- Đúng quá, tôi cứ ngờ ngợ mãi. Bài ấy tôi cũng biết chút ít. Tôi phục cái lối chơi đặc biệt của anh. Bài này từ trước cũng đã có nhiều người chơi thạo hơn anh, nhưng chưa ai có lối chơi như vậy. Thực tôi không biết nói thế nào cho đúng. Có thể nói đây là một bản chuyển từ nhạc Ý ra nhạc Ukren. Anh có thiếu sót, là thiếu không được đào luyện hẳn hoi ở một trường nhạc mà thôi...

Pie chăm chú lắng nghe. Lần đầu tiên, anh trở thành trung tâm để mọi người tranh luận náo nhiệt và trong óc anh, bắt đầu hé nảy cái ý thức tự hào về khả năng của mình. Có thể nào những âm thanh vừa lúc nãy làm anh khổ cực hơn bao giờ hết, lại làm được cho mọi người cảm động đến thế ư? Vậy... vậy ra anh cũng có thể làm được một cái gì ở đời!

Đang ngồi trên chiếc ghế đưa ngón tay đặt trên mặt đàn, thốt nhiên Pie thấy có bàn tay ấm áp vuốt nhẹ bàn tay anh. Êvơlin lại gần, nắm chặt tay bạn, không ai biết, cô sung sướng, vui vẻ thì thào:

- Anh nghe thấy chưa? Đấy, rồi anh cũng có công việc của anh. Chà, nếu anh nhìn thấy, nếu anh biết được mọi người say mê tiếng đàn của anh thế nào!

Pie rùng mình và đứng dậy.

Trong phòng khách trừ bà mẹ không ai để ý thấy cái cảnh tượng ngắn ngủi này. Mặt bà đỏ bừng như thể chính bà vừa nhận cái hôn thứ nhất của mối tình đầu.

Pie vẫn đứng yên một chỗ. Anh cố gắng nén xúc động vì hạnh phúc mới mẻ. Anh linh cảm thấy có lẽ một cơn dông tố đang tự óc anh cuộn lên thành những đám mây nặng nề và quái dị.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết