Mỗi năm chỉ có một mùa đẹp nhất, hiền nhất, ấm cúng nhất – mùa xuân. Những ai đi xa, những ai ở gần, những ai còn mải rong ruổi phía chân trời nào, đừng quên về quây quần bên bếp lửa gia đình trong phút giao thừa rưng rưng hạnh phúc. Mùa xuân – mùa của hoa đẹp, mùa của mừng tuổi, nhận bao lì xì và còn là mùa để trẻ con mặc áo mới chạy đi khoe khắp chúng bạn.
Tôi nghe người ta thường nói “Ăn Bắc, mặc Nam” – có phải thế chăng mà mỗi bận tết về, nhiều khi chưa mua sắm gì trong nhà nhưng mẹ luôn nghĩ đến quần áo mới cho các con. Áo mới ngày tết là hình ảnh rõ nét nhất trong ký ức của tôi. Có thể là sau hôm nay, ngày mai, ngày kia, mười hay hai mươi năm nữa hoặc có thể là lâu hơn như thế, hình ảnh ấy vẫn mãi tươi mới và thơm mùi kỷ niệm về người mẹ thân thương trong lòng tôi.
Những làng quê nhỏ ở vùng Thăng Bình – Quảng Nam vào những năm 1994- 1995 chẳng lấy gì làm khá giả, sang trọng. Dân xóm chài chúng tôi lo được bữa sáng, bữa trưa thì mất bữa tối, lo mỗi chuyện ăn đã khó nói gì đến việc sắm sửa những tiện nghi bình thường cho cuộc sống. Cái bàn, cái ghế cũng đóng bằng tre, nẹp bằng tre, chén bát thì bằng sành cũ mèm cũ rích, sứt mẻ quanh miệng nên quần áo mới với bọn trẻ con là một ước mơ, một phép thần tiên hay hay, lạ lạ.
Thế mà có một lần, phép thần tiên ấy cũng đã tìm đến với bốn chị em tôi. Tôi nhớ đó là một ngày tháng chạp giáp tết, mẹ đi chợ về muộn hơn mọi ngày. Mẹ mua cho chị em tôi rất nhiều kẹo ú (món kẹo tuổi thơ tuyệt vời nhất của trẻ con làng tôi lúc bấy giờ) và có một món quà vô cùng đặc biệt, vô cùng thích thú đó là một cuộn vải in hình những con gấu nhỏ nhỏ xinh xinh, mẹ bảo chiều mẹ dắt bốn chị em đi may áo mới.
Chị em tôi vui quá, chẳng để ý đến mái tóc ngắn của mẹ. Bữa cơm hôm ấy, cha hỏi mẹ sao lại cắt tóc. Mẹ nói cắt như thế cho đẹp và tiện buộc gọn, chứ để dài thì vướng víu quá.
Mẹ cắt tóc ngắn. Cha giận mẹ mấy ngày. Còn chị em tôi thì vui hết biết vì được đi may áo mới đón tết.
Mãi đến sau này tôi mới biết, cha giận mẹ vì mẹ cắt tóc đi bán. Chắc là cũng vừa đủ tiền để mua vải may áo cho chị em tôi. Tôi còn nhớ lần đó Út hỏi: Mẹ ơi, có được may quần không mẹ. Mẹ bảo cứ mặc tạm quần cũ, bao giờ có vải đẹp thì mẹ lại mua về may cho các con chứ hôm nay chợ hết vải đẹp rồi.
Sau này khi tôi lớn lên, mỗi khi nhớ về chiếc áo mới và mái tóc mẹ, nước mắt lại rưng rưng. Tóc mẹ dài phủ hết lưng và đẹp. Tuy mẹ là phận đàn bà làng biển, mái tóc dài chẳng bao giờ được thẳng trên vai. Sáng ra đã búi vội búi vàng cho kịp buổi chợ sớm. Thế mà suối tóc mẹ lúc nào cũng thẳng và mềm mượt vì mẹ hay gội đầu bằng nước bồ kết nấu với mè đen. Gần nửa đời tóc búi, đến khi cắt ngắn lên, mẹ mới có thói quen buộc tóc.
Lại nói về chiếc áo mới.
Hơn một năm sau, chị em tôi lớn nhanh quá, không còn mặc vừa áo mẹ may nữa, mẹ giặt sạch và bỏ vào vỏ gối để gối đầu. Từ bấy đến giờ đã là mười tám năm, chiếc gối vẫn giữ vẹn nguyên những kỷ niệm về tấm áo mẹ may năm nào. Tiếc rằng, gia đình tôi giờ đây không còn vẹn nguyên như trước mà đã khuyết thiếu một người.
Tôi nhớ cái tết Út mặc áo mới mẹ may rồi hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sau này mẹ có già đi không?
Mẹ bảo:
- Có.
Út khóc.
- Hu hu hu…Sao mẹ phải già, con không muốn mẹ già đâu.
- Mẹ phải già để các con lớn lên chứ.
- Ừ nhỉ! Thế, mẹ cứ già nhưng mẹ đừng chết nhé!
Ngày chúng tôi chưa kịp nhìn thấy tuổi già trên gương mặt mẹ, mẹ đã ra đi về một nơi rất xa, một nơi mà chẳng bao giờ chúng tôi được đặt chân đến đó để tìm gặp mẹ. Mãi mãi và mãi mãi.
Tết này trở về nhà, tôi sẽ vùi đầu lên chiếc gối đựng tấm áo xưa cũ để hít hà cho thỏa thích cái mùi tuổi thơ thiếu thốn, nhọc nhằn. Mẹ giờ không còn nữa, cái tết đầu tiên vắng mẹ, chắc là sẽ rất buồn. Tôi sẽ về hôn thật lâu lên tấm áo ấy như hôn lên kỷ niệm ngọt ngào, hôn lên mái tóc của mẹ yêu thương.
Tôi nghe người ta thường nói “Ăn Bắc, mặc Nam” – có phải thế chăng mà mỗi bận tết về, nhiều khi chưa mua sắm gì trong nhà nhưng mẹ luôn nghĩ đến quần áo mới cho các con. Áo mới ngày tết là hình ảnh rõ nét nhất trong ký ức của tôi. Có thể là sau hôm nay, ngày mai, ngày kia, mười hay hai mươi năm nữa hoặc có thể là lâu hơn như thế, hình ảnh ấy vẫn mãi tươi mới và thơm mùi kỷ niệm về người mẹ thân thương trong lòng tôi.
Những làng quê nhỏ ở vùng Thăng Bình – Quảng Nam vào những năm 1994- 1995 chẳng lấy gì làm khá giả, sang trọng. Dân xóm chài chúng tôi lo được bữa sáng, bữa trưa thì mất bữa tối, lo mỗi chuyện ăn đã khó nói gì đến việc sắm sửa những tiện nghi bình thường cho cuộc sống. Cái bàn, cái ghế cũng đóng bằng tre, nẹp bằng tre, chén bát thì bằng sành cũ mèm cũ rích, sứt mẻ quanh miệng nên quần áo mới với bọn trẻ con là một ước mơ, một phép thần tiên hay hay, lạ lạ.
Thế mà có một lần, phép thần tiên ấy cũng đã tìm đến với bốn chị em tôi. Tôi nhớ đó là một ngày tháng chạp giáp tết, mẹ đi chợ về muộn hơn mọi ngày. Mẹ mua cho chị em tôi rất nhiều kẹo ú (món kẹo tuổi thơ tuyệt vời nhất của trẻ con làng tôi lúc bấy giờ) và có một món quà vô cùng đặc biệt, vô cùng thích thú đó là một cuộn vải in hình những con gấu nhỏ nhỏ xinh xinh, mẹ bảo chiều mẹ dắt bốn chị em đi may áo mới.
Chị em tôi vui quá, chẳng để ý đến mái tóc ngắn của mẹ. Bữa cơm hôm ấy, cha hỏi mẹ sao lại cắt tóc. Mẹ nói cắt như thế cho đẹp và tiện buộc gọn, chứ để dài thì vướng víu quá.
Mẹ cắt tóc ngắn. Cha giận mẹ mấy ngày. Còn chị em tôi thì vui hết biết vì được đi may áo mới đón tết.
Mãi đến sau này tôi mới biết, cha giận mẹ vì mẹ cắt tóc đi bán. Chắc là cũng vừa đủ tiền để mua vải may áo cho chị em tôi. Tôi còn nhớ lần đó Út hỏi: Mẹ ơi, có được may quần không mẹ. Mẹ bảo cứ mặc tạm quần cũ, bao giờ có vải đẹp thì mẹ lại mua về may cho các con chứ hôm nay chợ hết vải đẹp rồi.
Sau này khi tôi lớn lên, mỗi khi nhớ về chiếc áo mới và mái tóc mẹ, nước mắt lại rưng rưng. Tóc mẹ dài phủ hết lưng và đẹp. Tuy mẹ là phận đàn bà làng biển, mái tóc dài chẳng bao giờ được thẳng trên vai. Sáng ra đã búi vội búi vàng cho kịp buổi chợ sớm. Thế mà suối tóc mẹ lúc nào cũng thẳng và mềm mượt vì mẹ hay gội đầu bằng nước bồ kết nấu với mè đen. Gần nửa đời tóc búi, đến khi cắt ngắn lên, mẹ mới có thói quen buộc tóc.
Lại nói về chiếc áo mới.
Hơn một năm sau, chị em tôi lớn nhanh quá, không còn mặc vừa áo mẹ may nữa, mẹ giặt sạch và bỏ vào vỏ gối để gối đầu. Từ bấy đến giờ đã là mười tám năm, chiếc gối vẫn giữ vẹn nguyên những kỷ niệm về tấm áo mẹ may năm nào. Tiếc rằng, gia đình tôi giờ đây không còn vẹn nguyên như trước mà đã khuyết thiếu một người.
Tôi nhớ cái tết Út mặc áo mới mẹ may rồi hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sau này mẹ có già đi không?
Mẹ bảo:
- Có.
Út khóc.
- Hu hu hu…Sao mẹ phải già, con không muốn mẹ già đâu.
- Mẹ phải già để các con lớn lên chứ.
- Ừ nhỉ! Thế, mẹ cứ già nhưng mẹ đừng chết nhé!
Ngày chúng tôi chưa kịp nhìn thấy tuổi già trên gương mặt mẹ, mẹ đã ra đi về một nơi rất xa, một nơi mà chẳng bao giờ chúng tôi được đặt chân đến đó để tìm gặp mẹ. Mãi mãi và mãi mãi.
Tết này trở về nhà, tôi sẽ vùi đầu lên chiếc gối đựng tấm áo xưa cũ để hít hà cho thỏa thích cái mùi tuổi thơ thiếu thốn, nhọc nhằn. Mẹ giờ không còn nữa, cái tết đầu tiên vắng mẹ, chắc là sẽ rất buồn. Tôi sẽ về hôn thật lâu lên tấm áo ấy như hôn lên kỷ niệm ngọt ngào, hôn lên mái tóc của mẹ yêu thương.