Chiều nay bỗng dưng trời chuyển lạnh. Những chiếc lá vàng trên cây xoan đầu ngõ đua nhau rụng kín mép đường. Tôi miên man đi trên con ngõ nhỏ cố tìm lại những ký ức tuổi thơ. Mới ngày nào mẹ còn dúi cho miếng cơm cháy trong một lần tôi trốn ông bà chủ về thăm nhà. Vậy mà hôm nay tóc tôi đã lấm chấm điểm sương.
Cha tôi mất sớm một mình mẹ phải bươn trải làm thuê, cuốc mướn lấy tiền nuôi bốn đứa con. Cuộc sống hàng ngày bữa đói nhiều hơn no, rét lâu hơn ấm. Mùa đông bốn anh em cũng chỉ chung nhau chiếc áo len, em mặc thì anh thôi, anh mặc thì em sưởi lửa. Mùa giáp hạt nhà tôi đã hết thóc từ lâu. Chẳng ai xui khiến nhưng tôi đã biết tự đi tìm hàng rào cây sắn đào lấy củ mang về luộc ăn. Loại sắn này sượng, ung ủng nước nhưng đúng là một miếng khi đói bằng gói khi no. Những năm đó mất mùa triền miên. Tôi nhớ người miền Trung còn được địa phương cấp giấy chứng nhận cho đi ăn xin. Có cụ già leo heo, chân tay run lẩy bẩy hay cháu bé mặt mày nhem nhuốc, tóc tai bơ phờ vì đói vẫn cố lê từng bước. Tôi không đến mức như thế nhưng cũng phải đi ở cho một ông chủ nhà giàu để chăn trâu mong kiếm miếng cơm, manh áo. Ngày dắt con đến giao cho người ta tôi biết lòng mẹ đang quặn lại như đứt từng khúc ruột. Nhìn con nhà ông chủ ăn cơm trắng thoả thuê, chúng vừa ăn vừa đùa nghịch, cơm vãi khắp nền nhà mà mẹ đành quay mặt đi chỗ khác tủi thân vì thấy con mình khổ quá. Mẹ thương tôi, mắt ngấn ngấn lệ. Mắt tôi cũng cay xè nhưng cố gượng lại để mong sao muối đừng xát thêm vào lòng mẹ. Nếu mẹ không cho tôi thì những đứa em sẽ bị đói. Đêm đầu tiên xa mẹ lòng tôi trống vắng đến lạ kỳ.
Đói nhưng được ở bên mẹ thì dù có chết cũng vui. Nhưng tôi không thể làm thế, tôi phải đi để dư một suất cơm nhường lại cho các em, cho mẹ. Nhớ lúc trưa mới đến, ông bà chủ dọn cơm ra tôi cũng được ngồi ăn cùng. Người ta mời mẹ nhưng mẹ cứ chối đây đẩy: “Không mà, em ăn cơm ở nhà no rồi mà. Em no lắm không ăn được nữa đâu”. Bỗng dưng cổ tôi nghẹn lại không nuốt nổi miếng cơm vừa cho vào miệng. Tôi bật khóc. Bật khóc như một đứa trẻ. Mọi nguời trong nhà ông bà chủ ai cũng ngỡ ngàng nhưng không ai biết vì sao tôi khóc. Mẹ tôi cố cao giọng dọa nạt: “Có thế mà cũng khóc, ở đây sướng gấp vạn nhà mình. Mà thi thoảng mẹ lại đến thăm cơ mà”. Mẹ quay ra nói chữa ngượng với ông bà chủ: “Cháu nó lần đầu đi xa nên nhớ nhà đấy anh chị ạ”. Tôi là con nên hiểu lòng mẹ. Tôi khóc không phải vì nhớ nhà mà cũng không phải do buồn mà khóc vì chính lời từ chối ăn cơm của mẹ. Cả đời mẹ đến lúc ấy chua được ăn bát cơm không độn sắn, khoai. Vậy mà mẹ lại bảo no. Còn nhớ, buổi sáng nay mẹ chia tay tôi bằng một nồi sắn cọc rào đắng ngắt. Mẹ không ăn mà nhường lại cho tôi. Mẹ bảo: “Con ăn đi, mai mẹ đào khóm khác. Đến đó nhớ chịu khó làm đừng để người ta đuổi về không có cái gì ăn đâu con ạ”. Tôi cứ cố quên điều đó để mong mình thiếp đi trên chiếc chõng tre giành cho những kẻ đầy tớ và người làm thuê nhưng càng ngủ thì lại thấy đêm dài lê thê, mãi mà chưa có một tiếng gà gáy đổi canh. Tôi mơ màng, hình ảnh mẹ lúc chiều như hiện ra trước mắt. Đó là khi ông bà chủ và mọi người đã đi nghỉ trưa, mẹ gọi tôi ra khóc khuất để dặn dò những điều cần thiết khi đi làm con ở. Lúc qua mé sân gần bếp, mẹ thấy cái nồi cơm buổi trưa vẫn còn những vầng cháy vàng ruộm. Mắt mẹ sáng lên và nhìn vào đó không chớp. Có lẽ khao khát lớn nhất của mẹ khi ấy là được cầm nó cho vào mồm nhai ngấu nghiến để thoả cơn đói. Nếu vào xin ông bà chủ thì không đành. Tôi thấy mẹ đứng lặng hồi lâu. Trong tôi bỗng trào dâng cảm giác nao lòng. Một miếng cơm cháy nào đáng gì đâu, thậm chí người ta còn bỏ đi vậy mà đối với mẹ tôi là vàng, là ngọc. Thế đấy, có người cả đời chỉ ao ước một điều hết sức bình dị. Tôi lặng đi bởi thương mẹ. Vì phải nuôi đàn con nên đời mẹ mới thế. Bất chợt mẹ nhìn trước ngó sau rồi đến bên nồi véo một cục cháy to hơn nắm tay vội vàng giấu vào sau áo và thản nhiên đi ra…
Tôi còn quá nhỏ lại ngoan ngoãn nên ông bà chủ không bắt làm việc nặng mà chỉ đi chăn trâu, cắt cỏ. Do công việc nhiều nên gần hết ba tháng nghỉ hè mà họ vẫn chưa cho về thăm nhà. Bạn bè học cùng lớp với tôi giờ này chắc chúng nó đang nô nức đi mua sắm quần áo, sách vở. Tuổi thơ ai mà chẳng ước mơ, khát khao nhưng tôi biết phận mình. Đến một hôm tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ các em quá, chờ ông bà chủ ngủ trưa tôi quyết định trốn về thăm nhà. Quãng đường chỉ mười lăm cây số, tôi vừa đi vừa chạy. Băng qua suối, lách qua vườn mía, nương sắn, chạy cả lên đồi để tìm con đường ngắn nhất. Lúc bắt đầu đặt chân đến sân mẹ tôi ngỡ ngàng lao ra ôm con vào lòng. Hình như mẹ đang khóc nhưng cố cho nước mắt chảy vào trong. Tôi nhận ra điều đó vì thấy bờ vai mẹ rung lên từng hồi rất khẽ. Mẹ hỏi: “Ông bà chủ cho về à?”. Tôi thẽ thọt: “Không. Con trốn”. Mẹ bảo: “ấy chết! Đừng làm thế, sắp đến thời gian con đi học rồi, người ta biết không trả tiền công thì khổ”. Tôi chưa kịp nói thêm câu nào thì mẹ đã hỏi: “Con ở đấy được ăn no không?”. Tôi gật đầu. Thời gian mẹ con gặp nhau vẻn vẹn nóm phút. Bịn rịn, nhớ thương cũng phải nhường chỗ cho sự chia tay. Lúc tôi chạy đi mẹ gọi giật lại: “Quay lại đây mẹ cho cái này”. Tôi chìa bàn tay bé xíu đón lấy một miếng cháy cơm mẹ đã phơi khô: “Cái này ngon lắm đấy khi nào đói thì nhấm nháp con ạ”. Tôi cố ghìm những giọt nước đang chực ậc ra dưới hàng mi cong. Không biết đó có phải là miếng cháy cơm mà mẹ đã lấy từ nhà ông chủ hôm đưa tôi đến đó không? Hay đây là miếng cháy còn sót lại sau khi phần cơm mẹ đã nhường lại cho các em tôi ở nhà?
Đời một con người có những điều bình dị mà trở nên vĩ đại.
Cha tôi mất sớm một mình mẹ phải bươn trải làm thuê, cuốc mướn lấy tiền nuôi bốn đứa con. Cuộc sống hàng ngày bữa đói nhiều hơn no, rét lâu hơn ấm. Mùa đông bốn anh em cũng chỉ chung nhau chiếc áo len, em mặc thì anh thôi, anh mặc thì em sưởi lửa. Mùa giáp hạt nhà tôi đã hết thóc từ lâu. Chẳng ai xui khiến nhưng tôi đã biết tự đi tìm hàng rào cây sắn đào lấy củ mang về luộc ăn. Loại sắn này sượng, ung ủng nước nhưng đúng là một miếng khi đói bằng gói khi no. Những năm đó mất mùa triền miên. Tôi nhớ người miền Trung còn được địa phương cấp giấy chứng nhận cho đi ăn xin. Có cụ già leo heo, chân tay run lẩy bẩy hay cháu bé mặt mày nhem nhuốc, tóc tai bơ phờ vì đói vẫn cố lê từng bước. Tôi không đến mức như thế nhưng cũng phải đi ở cho một ông chủ nhà giàu để chăn trâu mong kiếm miếng cơm, manh áo. Ngày dắt con đến giao cho người ta tôi biết lòng mẹ đang quặn lại như đứt từng khúc ruột. Nhìn con nhà ông chủ ăn cơm trắng thoả thuê, chúng vừa ăn vừa đùa nghịch, cơm vãi khắp nền nhà mà mẹ đành quay mặt đi chỗ khác tủi thân vì thấy con mình khổ quá. Mẹ thương tôi, mắt ngấn ngấn lệ. Mắt tôi cũng cay xè nhưng cố gượng lại để mong sao muối đừng xát thêm vào lòng mẹ. Nếu mẹ không cho tôi thì những đứa em sẽ bị đói. Đêm đầu tiên xa mẹ lòng tôi trống vắng đến lạ kỳ.
Đói nhưng được ở bên mẹ thì dù có chết cũng vui. Nhưng tôi không thể làm thế, tôi phải đi để dư một suất cơm nhường lại cho các em, cho mẹ. Nhớ lúc trưa mới đến, ông bà chủ dọn cơm ra tôi cũng được ngồi ăn cùng. Người ta mời mẹ nhưng mẹ cứ chối đây đẩy: “Không mà, em ăn cơm ở nhà no rồi mà. Em no lắm không ăn được nữa đâu”. Bỗng dưng cổ tôi nghẹn lại không nuốt nổi miếng cơm vừa cho vào miệng. Tôi bật khóc. Bật khóc như một đứa trẻ. Mọi nguời trong nhà ông bà chủ ai cũng ngỡ ngàng nhưng không ai biết vì sao tôi khóc. Mẹ tôi cố cao giọng dọa nạt: “Có thế mà cũng khóc, ở đây sướng gấp vạn nhà mình. Mà thi thoảng mẹ lại đến thăm cơ mà”. Mẹ quay ra nói chữa ngượng với ông bà chủ: “Cháu nó lần đầu đi xa nên nhớ nhà đấy anh chị ạ”. Tôi là con nên hiểu lòng mẹ. Tôi khóc không phải vì nhớ nhà mà cũng không phải do buồn mà khóc vì chính lời từ chối ăn cơm của mẹ. Cả đời mẹ đến lúc ấy chua được ăn bát cơm không độn sắn, khoai. Vậy mà mẹ lại bảo no. Còn nhớ, buổi sáng nay mẹ chia tay tôi bằng một nồi sắn cọc rào đắng ngắt. Mẹ không ăn mà nhường lại cho tôi. Mẹ bảo: “Con ăn đi, mai mẹ đào khóm khác. Đến đó nhớ chịu khó làm đừng để người ta đuổi về không có cái gì ăn đâu con ạ”. Tôi cứ cố quên điều đó để mong mình thiếp đi trên chiếc chõng tre giành cho những kẻ đầy tớ và người làm thuê nhưng càng ngủ thì lại thấy đêm dài lê thê, mãi mà chưa có một tiếng gà gáy đổi canh. Tôi mơ màng, hình ảnh mẹ lúc chiều như hiện ra trước mắt. Đó là khi ông bà chủ và mọi người đã đi nghỉ trưa, mẹ gọi tôi ra khóc khuất để dặn dò những điều cần thiết khi đi làm con ở. Lúc qua mé sân gần bếp, mẹ thấy cái nồi cơm buổi trưa vẫn còn những vầng cháy vàng ruộm. Mắt mẹ sáng lên và nhìn vào đó không chớp. Có lẽ khao khát lớn nhất của mẹ khi ấy là được cầm nó cho vào mồm nhai ngấu nghiến để thoả cơn đói. Nếu vào xin ông bà chủ thì không đành. Tôi thấy mẹ đứng lặng hồi lâu. Trong tôi bỗng trào dâng cảm giác nao lòng. Một miếng cơm cháy nào đáng gì đâu, thậm chí người ta còn bỏ đi vậy mà đối với mẹ tôi là vàng, là ngọc. Thế đấy, có người cả đời chỉ ao ước một điều hết sức bình dị. Tôi lặng đi bởi thương mẹ. Vì phải nuôi đàn con nên đời mẹ mới thế. Bất chợt mẹ nhìn trước ngó sau rồi đến bên nồi véo một cục cháy to hơn nắm tay vội vàng giấu vào sau áo và thản nhiên đi ra…
Tôi còn quá nhỏ lại ngoan ngoãn nên ông bà chủ không bắt làm việc nặng mà chỉ đi chăn trâu, cắt cỏ. Do công việc nhiều nên gần hết ba tháng nghỉ hè mà họ vẫn chưa cho về thăm nhà. Bạn bè học cùng lớp với tôi giờ này chắc chúng nó đang nô nức đi mua sắm quần áo, sách vở. Tuổi thơ ai mà chẳng ước mơ, khát khao nhưng tôi biết phận mình. Đến một hôm tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ các em quá, chờ ông bà chủ ngủ trưa tôi quyết định trốn về thăm nhà. Quãng đường chỉ mười lăm cây số, tôi vừa đi vừa chạy. Băng qua suối, lách qua vườn mía, nương sắn, chạy cả lên đồi để tìm con đường ngắn nhất. Lúc bắt đầu đặt chân đến sân mẹ tôi ngỡ ngàng lao ra ôm con vào lòng. Hình như mẹ đang khóc nhưng cố cho nước mắt chảy vào trong. Tôi nhận ra điều đó vì thấy bờ vai mẹ rung lên từng hồi rất khẽ. Mẹ hỏi: “Ông bà chủ cho về à?”. Tôi thẽ thọt: “Không. Con trốn”. Mẹ bảo: “ấy chết! Đừng làm thế, sắp đến thời gian con đi học rồi, người ta biết không trả tiền công thì khổ”. Tôi chưa kịp nói thêm câu nào thì mẹ đã hỏi: “Con ở đấy được ăn no không?”. Tôi gật đầu. Thời gian mẹ con gặp nhau vẻn vẹn nóm phút. Bịn rịn, nhớ thương cũng phải nhường chỗ cho sự chia tay. Lúc tôi chạy đi mẹ gọi giật lại: “Quay lại đây mẹ cho cái này”. Tôi chìa bàn tay bé xíu đón lấy một miếng cháy cơm mẹ đã phơi khô: “Cái này ngon lắm đấy khi nào đói thì nhấm nháp con ạ”. Tôi cố ghìm những giọt nước đang chực ậc ra dưới hàng mi cong. Không biết đó có phải là miếng cháy cơm mà mẹ đã lấy từ nhà ông chủ hôm đưa tôi đến đó không? Hay đây là miếng cháy còn sót lại sau khi phần cơm mẹ đã nhường lại cho các em tôi ở nhà?
Đời một con người có những điều bình dị mà trở nên vĩ đại.