Lại xin bắt đầu câu chuyện này từ một con sông mặc dầu tác giả không bao giờ muốn lặp lại cái gì mình đã viết.
Đã ngót nghét mười năm, từ 1954 đến khi câu chuyện này xảy ra; cuối năm 1964, con sông Hiền Lương được quàng vào mình một cái tên mới, Sông giới – tuyến. Tên mới mà lại rất cũ, cũ mà lại quá mới, như vành khăn tang mà bất kỳ một ai không thích nó vào đầu cũng thấy bàng hoàng không tin được một điều bất hạnh khủng khiếp đã xảy ra với chính mình.
Vào những năm ấy, sông Hiền Lương cũng là nơi thu hút bước chân của nhiều người. Người ta đến bờ sông này với rất nhiều lý do khác nhau. Trước hết là bước chân của những nỗi đau, nỗi nhớ, những day dứt và khát vọng. Có người mẹ từ tít mũi Cà Mau cũng cơm nắm cơm đùm tìm ra tận nơi để được nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng miền Bắc. Rồi lại những bước chân khắp năm châu bốn biển tìm về đây như tìm đến một sự thật lịch sử, một đòi hỏi nóng hổi của thời đại này: độc lập – tự do. Rất nhiều lý do khác nhau. Trong đó dù không nhiều cũng có những kẻ chạy trốn. Trốn khỏi một thực tại, một chế độ. Những kẻ đó chẳng còn con đường nào khác là vượt qua giới tuyến.
Những kẻ vượt tuyến đi từ ngoài Bắc vào, thường thường không dám bám theo trục đường quốc lộ 1. Vì như vậy rất dễ bị lộ. Họ rẽ lên phía tây, vượt qua những dãy đồi đất sỏi trập trùng của Quảng Bình mà vào Vĩnh Linh. Tại đất giới tuyến này, phía tây con sông Sa Lung cũng là những dãy đồi tràm lúp xúp mênh mông của Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy. Chẳng có lực lượng công an hay dân quân nào rải cho khắp các khu đồi ấy. Cho nên những kẻ vượt tuyến may mắn thường lọt được vào tận ngã ba sông, nơi con nước Sa Lung đổ vào sông Hiền Lương.
Nhưng cái ngã ba sông mà nhiều kẻ đã gọi là “tam giác chết” này, ông trời đã không dung kẻ phản nghịch. Con sông Sa Lung đang chảy một cách thong dong theo hướng Bắc – Nam song song với quốc lộ 1, đáng lý ra nó phải hợp với sông Hiền Lương thành một góc vuông thì có lẽ tạo hóa đã đoán trước được sự thể những năm tháng này cho nên mới uốn quặt dòng Sa Lung rẽ ngược lên hướng tây một đoạn khá dài rồi mới lại ghép vào dòng sông giới tuyến mà quay ngoặt trở lại để ra biển. Chính cái khúc oái oăm này đã tạo nên cái lưới bẫy. Những kẻ vượt tuyến thường đi ban đêm, cứ lò dò nhằm hướng nam mà vào. Bên tay trái họ là dòng Sa Lung chảy xuôi theo hướng họ đi. Trước mặt là sông giới tuyến giăng ngang. Họ đinh ninh như vậy. Cho nên đến khi bàn chân chạm phải đoạn sông giăng ngang thì lập tức họ thầm reo lên trong lòng: Bến Hải, Hiền Lương đây! Thế là nhào xuống. Lặn một hơi thật dài thì ra được gần nửa sông. Ngoi lên lấy hơi rồi lặn thêm cú nữa. Đã hai phần ba biên giới rồi. Họ vung tay đạp nước ào ào. Chạm bờ rồi. Thoát khỏi bàn tay cộng sản rồi. Ơ, sao vượt tuyến lại dễ dàng đến vậy? Họ lên bờ. Việc đầu tiên là những kẻ đó phải tỏ ngay tấm lòng mình cho người bờ Nam hiểu kẻo bị bắn oan. Họ, mặc dầu áo quần còn ướt sũng nước, có khi rét đến cứng hàm, nhưng vẫn rán hơi rướn cổ gào thật to: “Ngô tổng thống muôn năm”. Và ngoảnh ra bờ Bắc, nơi đã nuôi họ từ khi chiếc tã còn đẫm mùi hăng hắc cho đến ngày biết bơi biết lặn, họ hét: “Đả đảo chế độ cộng sản độc tài!”. Đáp lại tiếng hô của họ là mấy bóng người chạy ra im lặng nắm tay họ kéo vào một ngôi nhà nào gần nhất. Họ vừa hồi hộp vừa sung sướng vừa hô líu lưỡi: “Ngô tổng thống muôn năm!”. Đến khi chui vào nhà, ngẩng mặt nhìn lên bỗng thấy ảnh Cụ Hồ, họ đứng đực ra như cây sú chết cháy. Cụ Hồ vẫn cười hiền từ nhìn họ. Còn chủ nhà, có lẽ đã quá quen với cảnh này nên khoát tay chỉ ra ngoài và giới thiệu bằng một giọng tự nhiên đến mức sởn cả gáy: “Các bác hô khẩu hiệu khí sớm. Sông Hiền Lương phía trước nớ tề!”. Dĩ nhiên sau đó số phận những kẻ dại dột ấy thế nào, có lẽ ai cũng đoán được.
Đêm nay, đêm tháng chạp 1964, có một kẻ vượt tuyến khôn ngoan đã không lặp lại tất cả những gì mà những kẻ ngờ nghệch trước đây đã mắc phải. Mặc dù, nếu không nhầm, thì đây là người vượt tuyến nhỏ tuổi nhất. Mới bước vào tuổi mười sáu. Nhưng hơn tất cả những kẻ rủi ro trước đó (có khi là những tên gián điệp đã gần ba chục năm làm nghề), anh ta đã sinh ra, lớn lên ngay trên đất giới tuyến này. Cái khúc ngoặt trớ trêu của dòng Sa Lung đối với anh lại đơn giản như một bờ giậu qua nhà hàng xóm. Vả lại anh ta chẳng dại gì mà chọn hướng ấy để vượt.
Khôn ngoan trước luồng lạch của dòng sông, nhưng trong cuộc sống anh lại ngờ nghệch hơn tất cả những kẻ khác. Ngờ nghệch đến mức để cuộc sống của mình dấn vào đêm nay, chỉ vì cuộc cãi vã với thằng bạn giữ trâu. Thằng bạn ấy anh có ghét gì nó đâu, ngược lại, anh đã quí mến nó suốt cả thời thơ ấu. Nó chậm chạp hơn anh trong việc đi trâu, kiếm củi. Những nắm cơm đem theo ăn trưa ở bãi trâu, góp chung lại, nó thường dồn cho anh ăn những miếng khoai nhiều bột hơn hay miếng dừa kho béo ngậy. Thằng bạn ấy trọng nể anh vì anh khỏe mạnh hơn, xốc vác hơn trong việc giữ trâu, kiếm củi. Bao lần anh dồn thêm cho nó bó củi đầy đặn, và cũng bao lần anh bươn qua gai góc rú Linh để tìm lại con bò đực của nó hay đứt chạc chạy ròng... Vậy đấy, mà buổi trưa nay không hiểu sao nó lại cãi bướng Lạng. Đã vô ý đạp vỡ cái ống sáo Lạng mới khoét được, lại còn làm bướng. Cái sáo tiếng đẹp làm sao, cứ ghé miệng vô là tuôn ra những âm thanh thật tròn, ai nghe cũng thấy khoái! Lạng chỉ đẩy vào vai nó, mắng “thằng đui”. Vậy là nó ngã lăn ra, ôm ngón chân vấp phải cục đá la làng, rồi chửi Lạng “Đồ con nhà địa chủ ăn xương ăn máu người ta”... Lấy hòn đá mà đập vào đầu Lạng còn hơn chửi Lạng như vậy. Lạng thấy nhói buốt từ đầu đến chân. Anh quay lưng, cúi nhặt ống sáo dập, dùng tay bẻ vụn nát cả ra, rồi lẳng lặng đi tới một bụi sim, gục mặt vào đầu gối, ngồi suốt buổi chiều. Buổi chiều nặng nề quá đối với đời Lạng. Nặng quá, nặng đến mức không chịu nổi, và ý định trốn biệt khỏi cuộc đời – như Lạng nghĩ là cách tốt nhất – đã dẫn anh đến cái đêm ra đi!
Trên dòng Hiền Lương có những điểm tưởng rất lỏng lẻo, chính lại là nơi hiểm nghèo nhất. Ngược lại, có những khúc bề ngoài có vẻ canh phòng chắc chắn nhất lại là nơi khả dĩ có thể lọt lưới hơn cả. Chỉ người ở ngay đất này mới tìm ra ẩn số ấy. Và anh ta, công dân Hoàng Lạng, đã lọt qua các khe hở của các cửa trận một cách không đến mức căng thẳng.
Sự căng thẳng đối với Lạng lại diễn ra ở một phía khác.
Khi làn nước lạnh của dòng sông Hiền Lương ngoạm vào chân anh ta thì một cảm giác tê buốt như lưỡi gươm xuyên lạnh khắp người Lạng. Mới mười sáu tuổi đầu. Trái tim anh, tấm lòng anh, cả trí não anh nữa, đang bị dòng nước lạnh siết vào. Bàn chân ngập ngừng, tê cóng. Mặt sông đang tràn bóng tối. Bao nhiêu mạo hiểm đang chờ. May mắn hay bất hạnh?
Phía cửa biển, gió hú dài những chuỗi âm thành lâm ly, ghê rợn. Mấy bóng điện bên bót gác bờ Nam chập chờn, ma quái. Lạng cắn chặt vành môi. Anh nghe rõ con sông đang sôi trong tâm khảm mình. Sóng đập vào trí não, rồi dội xuống trái tim, trái tim lại dồi lên trí não. Âm thanh cứ nhại đi nhại lại như tiếng gọi dội vào vách núi đá: “Vượt đi!”, “Dừng lại!”, “Vượt đi!”, “Dừng lại!”.
Một thanh niên 16 tuổi – không, phải nói chính xác là 15 tuổi 7 tháng – dám bỏ nhà, bỏ quê, bỏ hết bạn bè mà ra đi, tới một nơi không hề biết trước, không hề có chút bảo đảm nào. Chỉ thế thôi, cũng đã thấy sự liều lĩnh đến mức nào. Huống chi nơi đó lại là bên kia tuyến, là một chế độ khác, một thế giới khác, một cõi trời đối lập. Mà sự đối lập nào phải ở phong tục, tập quán, hay sự khác biệt, may ra.... Không. Đây là đối lập của súng, là chết hoặc sống. Là cõi trần hay địa ngục. Là kiếp người và kiếp thú. Nói tóm lại, một sự khác biệt mà không thể nào tưởng tượng ra nổi.
Dòng nước tê tái làm liệt dần cái bối rối hầm hập trong tim anh. Sự liều mạng thường quá đà và trượt dài trong mù quáng. Cả thân người anh đã ngâm xuống nước. Trái tim như đóng băng. Anh bơi, run rẩy và vụng trộm. Tiếng nước roóc reéc như cố tình mách lẻo. Da thịt anh không còn cảm giác. Cái sức lực bẩm sinh của một câu bé chăn bò, đá bóng, được bọc trong lớp da đen bóng như mạ đồng, bỗng tiêu tan quá nửa vào nước. Chưa bao giờ anh thấy mình yếu đuối như lúc này, có những lúc Lãng ngỡ như không khoa tay lên được nữa. Cả cơ thể chìm xuống. Anh nín thở mặc kệ. Thôi thì chìm đi. Thà như thế còn hơn...
Nhưng rồi cái cơ thể lại nổi lên. Anh vẫn tham sống, mặc dầu cuộc sống phía trước rồi sẽ ra sao, anh không hình dung nổi... Cố bơi, cố nữa... anh đã đến giữa sông...
“Hay là quay lại?!”. Ý nghĩ bất chợt ùa đến dữ dội như một cơn lốc. Quay lại! Trở về với đàn bò mộng mà hợp tác xã vẫn giao cho anh giữ. Trở về với bãi cỏ trảng phoóc và con đường đất đỏ 12 thơm ngát hoa chạc chìu. Trở lại với những đêm chiếu bóng trên sân Ủy ban kìn kịt người xem. Những đêm ấy, anh vẫn vào buồng chiếu xin được hát một bài. Bài hát “Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng...” rất hợp với giọng nam trung của anh...
Ý muốn như cơn lốc, nhưng cơn lốc chỉ xoáy tại chỗ, còn thân hình của anh vẫn chầm chậm trường lên phía trước. Đã hai phần ba sông... Rồi chỉ cách bờ Nam sông khoảng bảy thước. Lạng hiểu, đã đến thế giới bên kia rồi. Ở con sông giới tuyến, sự phân chia rất chia rất chi li. Từ bờ sông ra bảy mét là phần nước bất khả xâm phạm của mỗi bên. Từ bảy mét ra giữa sông là địa phận có sự quan sát, chịu trách nhiểm của cả phía bên kia. Anh đã vào vòng bảy mét. Anh đã hoàn toàn thoát khỏi tầm tay của Công an miền Bắc. Bàn chân chới với trong lạch nước đục. Bàn chân chạm bùn. Lạng cố chòi lên. Hai tay với ra níu lấy một ngọn me. Thế là hết. Vĩnh biệt!
Anh không đủ sức quay lại dù chỉ một giây. Cả tấm thân tê cóng phủ phục xuống bùn. Nhưng anh vẫn biết. Sau lưng mình là miền Bắc, là 15 năm của tuổi thơ, của một thời đã sống. Vĩnh biệt! Đột nhiên anh khóc. Khóc trong ngập ngụa bùn lầy.
Mới hôm qua thôi... Thằng bạn chăn bò cùng xóm với anh đã đèo anh bằng xe đạp (nó mượn của ông anh rể) lên xem đội tuyển văn nghệ huyện. Họ diễn một vở kịch xảy ra trên sông này. Đầu đề kịch là “Chiếc nón trôi sông”. Một chiếc nón vô tình bị gió hất ra giữa nước và trôi giạt từ bờ này qua bờ kia. Chiếc nón trở thành mối bận tâm của bao nhiêu người. Giờ đây, anh không bằng chiếc nón. Chẳng ai bận tâm đến anh. Không săn đuổi, chẳng lùng bắt và cũng không hề đón tiếp. Anh cắm mình lên bờ Nam như một cành củi mực ngẫu nhiên dạt vào.
Mới sáng nay thôi... Thằng Hợp con thím Sinh còn khoét giúp cho Lạng một ống sáo bằng tre lồ ô. Chẳng hiểu vì lí do gì mà cả nhà thằng Hợp đều thương yêu Lạng như con đẻ. Thậm chí Lạng có nhiều nét giống Hợp nữa. Có khác chăng là tính nết. Anh lầm lì ít nói, còn Hợp thì mặc dù chỉ kém anh có một tuổi nhưng nhí nhảnh như trẻ lên mười. Bây giờ thì cái ống sáo vẫn nằm nguyên trên đầu giường Lạng. Anh rất thích thổi sáo, nhưng chẳng mang sáo theo. Anh cố tình không mang theo gì. Cố tình gạt mọi quá khứ ở lại. Nhưng quá khứ cứ đeo đẳng trong đầu anh.
Mới trưa nay thôi... Rồi mới chiều nay thôi... Tất cả chỉ mới đó thôi, mà bỗng xa lắc xa lơ y như kiếp trước vậy. Phải rồi, tất cả là kiếp trước. Đã thế còn gì mà sợ hãi? Có gì nữa mà băn khoăn. Lạng chống tay cố vùng dậy. Kiếp trước!... Ồ, hóa ra đã qua một kiếp rồi cơ đấy... Ta đang lao vào cõi âm phủ chăng? Nào, tiến lên!... Lạng thường nghe kể về cõi âm ti, rằng phải đi qua một con sông, có con *** chín đầu canh cửa... Bất giác anh rùng mình. Hình như có tiếng *** sủa thật. Đúng rồi. Tiếng *** bất ngờ dậy ran khắp bốn phái. Chao ôi là ***. Ngỡ như tràn trề bốn phía đều là ***. Hai chân Lạng như bị đóng đinh tại chỗ. Cả thân hình run lên và cứng đờ lại khi đột ngột có một ngọn đèn pha quét thẳng vào. Thế rồi ào ào, người *** lẫn lộn, tất cả từ bốn phía nhào đến:
- Đứng im! Đưa tay lên! Đằng sau quay!
Lạng không còn hiểu mình có làm theo những mệnh lệnh ấy không? Hình như có thì phải. Bởi vì anh vẫn còn một chút cảm giác để nhận ra rằng mình đã quay mặt lại phía Bắc. Và vẫn cái giọng lúc nãy phả ra sau gáy anh.
- Anh là ai?
Lạng nín lặng. Mình là ai? Ủa, là ai nhỉ? Trước mặt anh bây giờ lại là miền Bắc. Nếu còn ở đó thì chẳng ai hỏi mình câu vừa rồi, bởi lẽ mình tồn tại trước mặt mọi người như một lẽ đương nhiên. Còn bây giờ, ở đây, mình là gì? Chẳng lẽ nói là xã viên hợp tác xã, không lẽ xưng rằng chiến sĩ dân quân... Không là gì cả. Ở đây, những gì tồn tại bấy lâu ở anh hoàn toàn không có giá trị. Anh không còn là anh nữa rồi.
- Trả lời ngay, mày là ai? Nói ngay, mày là ai?
2
Cái lai lịch rườm ra của Lạng có những chỗ cũng oái oăm như khúc ngoặt nơi ngã ba sông này vậy. Cho đến cái tuổi đã thành niên rồi mà anh ta cũng không tự hiểu hết cội rễ của mình. Nhưng ở cái làng đất đỏ Vĩnh Hòa này thì nhiều người biết. Một trong những người thấu tỏ cái lai lịch rắc rối ấy chính là tác giả câu chuyện này.
Ở trong cái phủ Vĩnh Linh cũ thì mấy làng đất đỏ ba - zan là những nơi ăn ra làm được nhất. Xã Vĩnh Hòa xưa kia gọi là làng Liêm Công. Làng này được chia ra hai cánh mà một thầy địa lý nổi tiếng đã gọi là hai cánh của một con dơi. Con dơi bay chập choạng trong bóng tối tìm cái ăn. Cả làng Liêm Công từ đời này qua đời khác cũng đúng như vậy. Tuy nhiên ở mỗi cánh cũng nổi lên vài ba con người đáng được gọi là giàu có, và đó là hiện thân cho quyền lực cả làng. Đại diện cho cánh ngoài là dòng họ Lê Văn, không giàu lắm nhưng lúc nào cũng nắm các chức vị hương, hòa, lý, mục. Còn tiêu biểu cho cánh dơi phái trong là họ Hoàng, có thể nói là bồ thóc rương tiền của cả vùng đất đỏ. Đại diện cho sự giàu có của họ Hoàng là gia đình Hoàng Ất. Người đời nay còn truyền lại rằng, cái chuồng bò của nhà Hoàng Ất đông đến mức những người làm thuê thỉnh thoảng dắt trộm một con ra ngoài đồi giết thịt, mà Ất chẳng hay biết gì. Bởi có khi ngay bò trong chuồng cũng giẫm đạp lên nhau mà chết. Mỗi bận lấy phân chuồng người ta kéo ra hàng rổ xương bê con.
Họ Hoàng giàu đến vậy nhưng chưa một lần nào nắm được chức lý trưởng. Cái quyền lực của họ Hoàng không phải là quyền cai trị mà quyền của thúng thóc, đồng tiền. Người ta đồn rằng Hoàng Ất có một con bò Ô khôn ngoan chẳng kém gì chủ. Những nông dân nghèo đến thuê bò cụ Ất về cày ruộng mình bao giờ cũng được Hoàng Ất răn dạy từ trước: “Mày thuê cày nhiều hay ít phải nói cho thật, đừng có cày nhiều nói ít con Ô nó chẳng chịu đâu”. Nghe nói có người cày tấm ruộng hai sào mà nói dối là sào rưỡi. Đến khi cày được hai phần ba tấm thì tự nhiên con Ô đứng lại, cúi đầu xuống dùng sừng hất cái ách ra khỏi cổ. Người thợ cày nhảy tới định khoác lại ách thì lập tức bị con Ô húc cho một phát bổ chửng ra giữa ruộng. Chuyện đó chẳng rõ thực hay hư, nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, cả cái làng Liêm Công này đều sợ oai con Ô đến mức trước khi đi đến nhà Hoàng Ất thuê bò cày, ai cũng phải vác sào ra đo lại ruộng.
Quyền hành đến là vậy, nhưng Hoàng Ất vẫn không mãn nguyện. Cụ cay cú vì chưa bao giờ nắm được chức lý trưởng. Thế rồi đến một năm nọ, đúng vào diup làng chuẩn bị tiêm (1) lý trưởng mới. Hoàng Ất khăn gói lên vai tìm vào tỉnh. Chẳng ai rõ chuyến đi ấy có chuyện gì xảy ra. Chỉ biết độ mười hôm sau, có motọ ông quan Tây về làng trực tiếp tiêm lý trưởng.
Thực là hài hước, bởi ông quan Tây này là một lái buôn. Đi theo ngài là một thông ngôn mắt lé. Về đến làng, thông ngôn thay mặt quan truyền lệnh: “ Để mừng quan Tây hạ cố về làng, dân làng phải đem nạp một hộ 5 kg mảnh bát sứ cổ Trung Quốc”. Thế là cả làng sục tìm khắp gốc tre bờ giậu. Có nhà bí quá phải đập vỡ những bát ăn cơm của nhà ra để lấy mảnh.
Sau đó cũng chính ngài thông ngôn nói với lý trưởng: “Hãy chọn một gia đình sang trọng nhất để cho quan nghỉ lại”. Lý trưởng họ Lê Văn, trước hết muốn mời quan về nhà mình. Nhưng mới đảo mắt nhìn qua, ngài thông ngôn mắt lé đã lắc đầu quầy quây: “Nhà cửa gì ông mà gớm ghiếc thế này, quan ở làm sao được!”. Lý trưởng thẹn cháy mặt nhưng đành cắn răng chịu. Ông dẫn ngài thông ngôn đi suốt tám nhà giàu có của họ Lê Văn, nhưng đến đâu ngài thông ngôn cũng bĩu môi: “Hừ, quan Tây chứ có phải lợn cỏ đâu mà các ông cho ở những cái chuồng này”. Cả họ Lê Văn thở dài sườn sượt. Cuối cùng chính thông ngôn phải nói toạc ra: “Tôi nghe nói làng này có nhà ông Hoàng Ất giàu lắm kia mà?”. Cả họ Lê Văn trố mắt kinh ngạc vì không hiểu bằng cách nào mà quan tỉnh lại biết được. Cực chẳng đã, họ phải dẫn quan trên vào làng trong. Vừa bước chân đến nhà Hoàng Ất, ngài thông ngôn đã reo lên: “Có thế chứ, tốt lắm! Chỗ này rất vừa lòng quan Tây”.
Thế là “cánh dơi” trong nhờ có họ Hoàng mà rước được ông mũi lõ vào, mặc dầu ông quan nước mẹ này hầu như chẳng quan tâm gì tới chuyện đó. Hai con mắt đùng đục đồng thau của ngài chỉ chằm hẵm vào đống mảnh sứ mà dân mang đến đổ đầy sân Hoàng Ất. Mọi việc giao dịch ở tay thông ngôn.Vài người tò mò nhìn vào thì thấy quan Tây có rút tiền ra giao cho thông ngôn. Nhưng sau đó thông ngôn lại “dịch” ra rằng: “Ngài rất hài lòng về món quà của dân làng. Ngài rất cám ơn”. Hóa ra ngôn ngữ bên Pháp với ngôn ngữ bên ta khác nhau đến mức ấy. Đưa tiền ra, nghĩa là xin cám ơn. Không trách gì mà phải cần phiên dịch.
Cả làng, chỉ mình Hoàng Ất là hiểu thấu đáo mọi chuyện. Ngài thông ngôn được một món tiền to. Để đổi lại, ngài thông ngôn “dịch” lại lời quan Tây rằng: “Lý trưởng của một làng phải là người đại diện cho bộ mặt của làng, phải nói là nơi sang trọng nhất, danh giá nhất. Vì vậy, quan trên thấy lần này cần thiết phải bổ nhiệm ông Hoàng Ất thay chức lý trưởng”.
Thế là lần đầu tiên chức lý trưởng và tiếp sau đó là các chức vị khác rơi vào tay họ Hoàng. Mà kể ra thế mới xứng đáng với đống mảnh sành mảnh sứ kia chứ.
Hoàng Lạng ra đời trong ngôi nhà sang trọng của Hoàng Ất vào những năm mà cái chức lý trưởng đã không còn nữa vì Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng kháng chiến đã khống chế toàn xã. Nhưng quyền lực của Hoàng Ất thì chưa mất.
Ngay từ ngày còn nằm trong nôi, Lạng đã không được Hoàng Ất âu yếm. Điều đó Lạng chỉ biết sau này, khi mà toàn bộ cơ ngơi của Hoàng Ất đã tan tành. Nhưng mẹ anh thì hiểu rõ ngay từ khi còn mang con trong bụng. Bởi thực ra, cái thai đó không phải là giọt máu của họ Hoàng. Câu chuyện trớ trêu này có dính dáng đến bò Ô.
Trong làng có anh tợ cày tên là Ngô Sĩ Học, thân hình lực lưỡng, nhưng tính khí hay bông đùa, hài hước. Nhưng mọi chuyện “bông đùa” của Học không bao giờ không có mục đích. Ví dụ có lần cả đám thợ làng đi gặt thuê cho nhà Hoàng Ất, nghe người bạn than thở về chuyện đói kém, Học đã quẳng cả hai bó lúa trên vai mình vào bụi và bảo bạn chờ tối trời hãy gánh về nhà. Cả đám trai làng sợ hết hồn, nhưng Học vẫn ung dung tuyên bố: “Miễn là đừng đứa nào phản tao là được”. Một anh bạn nói: “Ai phản mày, nhưng chốc nữa lấy lúa đâu mà nạp cho lão Ất?”. Học vẫn đủng đỉnh: “Đừng lo, chỉ cần chúng mày đừng có về sớm”. Cả đám thợ gặt chờ cho đến nhá nhem tối mới hộc tốc gánh lúa chạy qua hè nhà lớn đổ vào sân sau của Hoàng Ất. Một người đầy tớ của Ất đứng ở đầu hè đếm số gánh. Đám thợ gặt theo mưu của Học chạy liền nhau thành một hàng. Học chạy gần cuối. Hai đầu đòn xóc của anh cắm vào hai bó lúa của người chạy trước và chạy sau. Cứ thế Học cũng chạy, nhún nhảy như gánh nặng. Loáng thoáng trong hoàng hôn, người đầy tớ nhìn lướt đám thợ gặt chạy hùng hục qua trước mặt, ai cũng nặng trĩu hai bó lúa trên vai. Chẳng hơi đâu mà đếm. Hai mươi tám người gặt thì hẳn là hai mươi tám gánh còn gì nữa. Đám thợ gặt sau khi ra khỏi nhà Hoàng Ất đã ôm nhau cười đến muốn vỡ bụng.
Học nghe thiên hạ đồn về con bò Ô của Hoàng Ất, anh không thể tin được. Một bữa anh đến gặp Hoàng Ất:
- Thưa ông, cháu có mười thước ruộng, cháu xin ông cho thuê con Ô một buổi.
Hoàng Ất nhìn Học một hồi lâu vẫn chưa thấy ừ hữ gì. Học lại cất tiếng:
- Thưa ông, cháu...
Thực ra Hoàng Ất chỉ hơn Học độ dăm tuổi là cùng. Nhưng vì ý thức đầy đủ về vai trò kẻ cả trong làng nên không bao giờ Ất trả lời ngay bất cứ một lời hỏi thăm nào. Ất rất thích nghe đi nghe lại nhiều lần những câu thưa bẩm.
- Thưa ông, cháu chỉ có mười thước ruộng...
Đến đây Hoàng Ất mới gật đầu:
- À, anh thuê bò hả. Nhưng ruộng nhà có bao nhiêu?
- Dạ, tấm ruộng sát bên cạnh ruộng chân đê của ông đấy. Đúng mười thước ạ.
Hoàng Ất cũng biết ruộng của Học. Nhưng gần như là thói quen hắn răn dạy:
- Thôi được, Nhưng con Ô nó khó tính lắm đấy. Đừng có nói dối.
Sáng hôm sau Học đến nhận bò, Hoàng Ất vỗ nhẹ vào lưng con Ô, ân ái như nói với con:
- Này Ô, sáng nay cày giúp cho thằng Học mười thước ruộng nhé. Nhớ là mười thước, chưa tới một sào đấy nhé!
Học nhận bò về, anh nhảy qua nhà người bạn nghèo bên cạnh và bảo:
- Này, sáng nay mày ra trổ nước vào ruộng, tao cày giúp cho.
Người bạn còn đang ngơ ngác thì học nháy mắt cười. Anh lùa con Ô qua ruộng người bạn trước. Tấm ruộng ấy cũng gần bằng tấm của Học. Anh cày xong quay lại bừa. Bừa thật kỹ ruộng bạn rồi để nguyên ách trên cổ bò, anh dong qua ruộng mình. Lại cày xong tấm ruộng của anh. Con bò mệt phờ thở phì phò nhưng mỗi lần muốn dừng nghỉ thì lập tức roi mây Học giáng xuống... Bò Ô đành phải rán ruột kéo.
Chuyện ấy sau đó lại được đám trai làng truyền tụng cho nhau trong tiếng cười đến chảy nước mắt. Dĩ nhiên tiếng cười hả hê đó cuối cùng cũng lọt đến tai bà Ất.
Bà Ất, dân làng từ xưa vẫn gọi thế bởi sợ oai ông Ất – thực ra đấy là một người đàn bà vừa trẻ, vừa đẹp lại nết na. Bà tên là Lành, bố là một thầy đồ (còn ông nội là một vị quan đô đốc bất mãn với triều đình bị bãi chức). Cái nết na của bà Lành chính là cái khuôn phép nhà nho mà cả dòng họ của bà truyền nối lại. Bà lọt vào ngôi nhà Hoàng Ất thực như là bông hoa nhài cắm bãi *** trâu vậy.
Từ khi nghe lọt chuyện mướn bò của Học, ông Ất căm lắm. Phải như thời trước cách mạng, hắn Học đã phải đi phu cho đến trọc nhẵn tóc trên đầu rồi. Nhưng giữa thời buổi này, cái thế du kích bí mật mạnh lắm. Ất giận nhưng phải nín thinh. Còn bà Lành cố để ý xem xem người thợ cày đáo để ấy là ai. Thế rồi bà phát hiện ra Học trong đám người làm thường lui tới. Cuộc đời thật trớ trêu, chẳng ai có đủ thì giờ mà dò la thóc mách xem vì lẽ gì mà một bà quyền uy như vậy lại đi mê chàng trai cày lém lỉnh. Bà Lành hết sức bịt kín mọi chuyện mặc dầu tiếng đồn ngày một inh ỏi. Ông Ất cũng biết, nhưng phần thì sợ oai du kích, phần thì sĩ diện với chức lý trưởng, ông đành giả điếc giả câm. Còn bà Lành lại càng không dám để giống dòng nho gia của mình bị bôi nhọ. Thế nên Lạng sinh ra, tuy không được bố và các anh chị yêu quý, vẫn phải mang dòng họ Hoàng.
Nếu cuộc đời cứ thế mà bình lặng trôi qua thì có lẽ cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng bởi con người ta, tham vọng quyền lực là một bản năng không giới hạn. Năm 1953, một trận càn lớn của Pháp đổ ập về Vĩnh Hòa. Trước sức ép quá lớn của hai tiểu đoàn lê dương, dân quân du kích phải tạm rút vào rú Lĩnh. Pháp chiếm cả xã ba ngày. Trong ba ngày đó, đám hương hòa, lý mục cũ mới háo hức ngóc đầu dậy. Biết bao nhiêu cơ sở cách mạng bị bắt giết. Đất đỏ Vĩnh Hòa càng đỏ thêm vì máu người, mãi mãi về sau, người dân Vĩnh Hòa vẫn nhắc về năm 1953, năm máu.
Qua ba ngày, Pháp rút đi. Dân quân lại trở về. Dĩ nhiên nợ máu phải đổi bằng máu. Cái đầu của Hoàng Ất đã rơi xuống trong một đêm tháng Sáu. Gió Lào rú trên trảng Cồn. Bắt đầu từ đó, cái vinh quang của họ Hoàng chấm dứt.
Kháng chiến thắng lợi. Người dân Vĩnh Hòa ai ai cũng háo hức đón chào cuộc đời mới. Suốt những năm cải cách ruộng đất rồi tiến lên thành lập hợp tác xã, câu bé mới bước vào tuổi thiếu niên ấy đã bị một mặc cảm nặng nề, rằng mình là con của cường hào bị cách mạng chém cổ. Càng lớn thêm một tuổi, sự mặc cảm càng lớn thêm ra. Lạng thường thui thủi một mình, học hết lớp bốn thì bỏ học. Lạng tự nghĩ có học cũng vô ích. Lạng nhận một đàn bò hợp tác để chăn. Ngay cả với công việc chăn bò Lạng cũng tự tách mình ra, không muốn chơi chung với bạn bè trong xóm.
Các bạn đội viên thiếu niên cũng như các anh chị lớn tuổi biết rất rõ tâm trạng của Lạng, nên ai cũng nghĩ tìm cách gần gũi lôi kéo Lạng hòa vào với tập thể. Đặc biệt là gia đình ông Học, bà Sinh nhà ở ngay đầu xóm, nơi mà Lạng thường lùa bò ra bãi rồi vào đấy leo cây, hái quả, đã hết sức chiều chuộng Lạng. Thằng Hợp con đầu của ông Học quý Lạng như anh em ruột. Nhờ thế mà dần dần Lạng cũng vui lên. Nó đá bóng chung với bọn trẻ, lại còn tập văn nghệ nữa. Ai cũng khen Lạng có giọng hát hay. Và những đêm đội chiếu bóng về xã, lạng vẫn cao hứng cầm mic – cơ – rô hát dõng dạc bài “Chiếc khăn piêu...”.
Đầu năm 1964, Lạng tròn 16 tuổi. Cuộc chiến tranh phá hoại của thằng Mỹ bắt đầu bùng nổ ở một vài điểm ngoài Bắc. Đất Vĩnh Linh, nơi tiếp giáp đối đầu của hai miền bắt đầu sôi lên như biển động. Mặc dầu đã được chuẩn bị kỹ suốt mười năm nay, nhưng khi bước vào ngưỡng cửa của chiến tranh, tất cả mọi vấn đề, mọi lĩnh vực đều phải được xem xét lại, củng cố thêm một bước. Vì thế những người trước đây có dính dáng đến tề ngụy đều được triệu tập đi học thêm một lớp mới. Trong số này không có Lạng, mặc dù Lạng đã đến tuổi có trách nhiệm trước pháp luật.
Mặc dù không bị gọi đi học, nhưng sự kiện này cũng làm Lạng mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Cái quá khứ bấy lâu được chôn vùi nhờ cuộc sống sôi nổi trẻ trung và thân ái của hòa bình trên đất tuyến này đột ngột bị khuấy lên bởi tiếng bom của chiến tranh ập đến. Với cái tuổi thanh niên, Lạng bắt đầu biết nghĩ nhiều. Người ta chưa gọi đến mình, nghĩa là cái án vẫn còn treo lơ lửng đó – Lạng nghĩ vậy. Cuộc đời làm sao vui được khi trên đầu mình cứ trìu trĩu món nợ truyền kiếp? Mình đã được kết nạp vào dân quân, nhưng biết đâu đó là cái bẫy để cột chặt mình hơn? Chắc chắn mình sẽ không được đi bộ đội. Sẽ không đi công nhân, không thể làm cán bộ. Không là gì cả. Mà ở cái đất này, như thế thì có khác gì một tên tù bị giam lỏng?
Chao ôi là lý sự. Trên đời này người ta tiến cũng nhờ lý sự mà tụt dài, tụt mãi cũng bởi lý sự. Cái tư duy ích kỷ ấy đã gây biết mấy tai ương cho con người. Và Lạng chàng trai mười bảy tuổi đầy lý sự đó đã khẳng định đời mình là một tên tù bị giam lỏng. Đã bị giam thì phải phá tù. Phải phá cũi, sổ lồng thôi... Cái kết cục nghe ra thật quá đơn giản.
3
Khác hắn với mọi sự tưởng tượng của Lạng, anh đã không được đón tiếp một cách hồ hởi, nhiệt liệt theo kiểu “những người thoát khỏi gông cùm Cộng sản trở về với chánh nghĩa quốc gia”. Cũng không bị hỏi cung một cách căn vặn, mặc dù Lạng đã mất mấy đêm sắp đặt các câu trả lời.
Một sĩ quan già, người khô đét như thanh nứa đã giao cho Lạng một tờ khai có mẫu in sẵn: Họ tên, ngày sinh tháng đẻ, tên ông bà bố mẹ, nghề nghiệp, đoàn thể, vân vân. Đại loại là những điều mà Lạng có thể ghi một cách tự tin thoải mái, không phải đắn đo, cân nhắc gì.
Nạp bản tự khai cho người sĩ quan già rồi, Lạng được an nghỉ trong một phòng hẹp, mái lợp tôn, cách biệt với trại lính. Quan sát kỹ thì thấy đây là một ngôi nhà độc lập, có lẽ gọi là phòng giam thì đúng hơn. Xung quanh nhà không được vệ sinh sạch sẽ như dãy trại lính. Trong phòng kê một chiếc giường sắt, có màn che muỗi. Kể ra không đến nỗi như tù. Lạng hồi hộp đến thắt cả ruột, không thể nào đoán nổi số phận của mình rồi sẽ ra sao. Một ngày trôi qua, yên tĩnh. Lại ngày nữa, vẫn thế. Rồi ngày thứ ba chẳng có gì khác cả. Không có ai tra khảo căn vặn gì, cũng chẳng ai săn đón vồ vập. Lạng sống bồng bềnh trong trạng thái mụ đầu như thể ở trong bình chân không. Bản tính lầm lì xưa nay cũng không đủ sức giúp anh chịu đựng. Lần đầu tiên anh khao khát được nói, được hét vang lên, bô bô kể chuyện hoặc thậm chí có thể cãi nhau. Nhưng ở đây, ngay cả chuyện cãi nhau cũng không có đối thủ.
Cũng chưa có sự khởi động nào đủ làm cho anh bừng tỉnh để nhận ra hai chữ phản bội. Không, với anh có gì đâu mà phải day dứt chuyện ấy. Anh ra đi như con nước bị nghẽn dòng tìm lạch để thoát. Vả lại ngay từ những ngày sống trên đất Bắc, anh đã tự tách mình ra khỏi mọi người, tự đối lập mình với chế độ. Thế nghĩa là anh không phản bội ai, anh chưa hề thề thốt với ai cả... Cách lý sự ấy đã giúp Lạng ngay từ phút đầu dám cất bước ra đi. Còn bây giờ, trong trạng thái mơ hồ này đầu anh như đặc lại. Anh chẳng nghĩ thêm được gì hết.
Sáng ngày thứ tư, viên sĩ quan già trở vào phòng của Lạng. Lạng nín thở chờ đợi. Còn viên sĩ quan thì bình thản y như họ vẫn gặp nhau thường xuyên từng giờ.
- Anh bạn trẻ thân mến ạ, tôi rất lấy làm buồn bởi vì anh đã không khai thật...
Lạng chồm người lên:
- Về điểm gì?
Người sĩ quan khoát tay:
- Những điểm cơ bản nhất trong hồ sơ.
- Không, thưa ông, tôi xin cam đoan là tôi đã khai đúng...
Giọng viên sĩ quan vẫn dửng dưng không hề nâng lên hoặc hạ xuống:
- Cái đó tùy anh. Chúng tôi mong lần sau được nhận ở anh những lời khai thành thực.
Nói rồi y đứng dậy đi ra khỏi phòng với một dáng vẻ thanh thản sau khi đã đặt xuống bàn một tờ giấy có mẫu sẵn giống như tờ hôm trước.
Lạng mở tròn hai mắt nhìn trừng trừng. Anh nhìn ai? Chẳng nhìn ai cả. Anh nhìn vào khoảng không trước mặt nơi như chưa tan hết cái âm thanh trơn tru và lạnh lùng của viên sĩ quan nọ. Hoặc có thể anh đang nhìn thẳng vào tâm trí mình. Mình nói dối ư? Không. Anh chưa hề nói dối. Dù cuộc đời có lạnh lùng đến mấy thì anh vẫn tự cho rằng, từ xưa đến nay mình chưa thèm nói dối. Sau này thời chưa biết. Gặp những câu hỏi nguy hiểm khác thì có khi phải nói dối thật. Nhưng với những cái mục đề nho nhỏ trong tờ khai này, có chi mà phải dối trá? Thà rằng ở miền Bắc, với thành phần có nợ máu như mình, có khi vào một hoàn cảnh nào đó phải nghĩ cách giấu giếm. Chứ ở đây, thành phần của mình là đồng đảng đồng chí với chế độ này, lo âu gì nữa mà phải dối. Vô lý. Hay họ thử mình? Đừng hòng lừa nổi ta.
Sau một chặp tự lý sự. Lạng lại cắm cổ viết một mạch. Lời khai hôm nay không có gì khác trước.
Chiều hôm đó viên sĩ quan già trở lại. Lần này Lạng không phải chờ đợi lâu. Sau khi đảo mắt nhìn lướt qua trong giấy, viên sĩ quan, vẫn cái giọng trơn tru ấy nói mà không thèm bận tâm đến sự phản ứng của Lạng:
- Tiếc quá, anh bạn vẫn không nói thật.
Lạng hét to lên:
- Chính các anh mới nói dối...
- Tùy anh, chúng tôi sẽ chờ.
Lạng cáu kỉnh ngắt lời:
- Không chờ đợi chi cả. Nếu cần các ông cứ bắn đi.
- Bạn cứ bình tĩnh, cố mà bình tĩnh. Chúng tôi sẽ chờ.
Lại một tờ giấy nữa đặt xuống bàn và cái dáng gầy đét kia ung dung đi ra như chưa hề có điều gì phật ý. Lạng chồm người lên như một con cọp đói:
- Này... Tôi không viết nữa đâu... Tôi chẳng có chi mà viết cả.
Nhưng cánh cửa đã đóng sầm lại. Người sĩ quan đi ra xa và húng hắng ho.
“Đù mẹ chúng mày!”. Lạng chửi rít qua hai kẽ răng. Anh không thể nào chịu nổi cái vẻ dửng dưng kia. Ừ mà tại sao chúng nó lại không nổi cáu lên với mình hè. Thà rằng chúng nó hầm hoét, chửi bới hay đánh đập thì mình còn thấy có lý. Hay chúng nó chỉ giả vờ? Mà đúng rồi lẽ nào một thằng từ thế giới bên kia rơi tõm xuống đây mà lại được tin ngay. Phải thử thách, thậm chí thử thách hàng chục hàng trăm lần nữa là khác. Y như họat động tình báo! Lạng bỗng thấy thích thú! Từ hôm nay mình trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng. Bao nhiêu cơ quan tình báo phải chụm đầu vào nghiên cứu về mình, thú vị thật. Ừ, mà chúng nó cũng không phải hoàn toàn nghi ngờ. Nếu nghi ngờ thì chắc chắn mình đã bị tra khảo rồi. Cái dáng điệu nhã nhặn ung dung của lão kia có nghĩa là đã tin mình. Tin nhiều nữa là khác. Như vậy điều cốt lõi lúc này là phải nhớ cho kỹ những lời đã khai, trăm lần như một, đừng có khác nửa câu.
Lần thứ ba.. lần thứ tư... lần thứ năm. Những tờ khai như được sao nguyên văn thành nhiều bản. Cả hai bên đều kiên nhẫn chờ đợi nhau.
Điều chờ đợi của Lạng đã đến. Sau tờ khai thứ năm, viên sĩ quan già đã không còn giữ được cái vẻ trơn tru mặt lì như trước nữa. Một cái bạt tai bất ngờ nổ tóa vào mặt Lạng. Anh chưa kịp định thần thì tiếp một cú đấm móc hàm giòn như cành cây khô gãy. Lạng bổ chửng ra giữa nhà. Một cảm giác buồn nôn ói lên trong cuống họng. Máu trào ra mặn rít cả hai hàm răng.
Cánh cửa đóng sầm. Sau vài phút, một tên lính cầm tiểu liên mở cửa bước vào:
- Đứng dậy!
Lạng nghe rõ tiếng quát nhưng không thể nào cựa mình được. Sự đau đớn và cả sự căm uất nữa đè bẹp anh xuống sàn nhà.
- Đứng dậy! Có nghe không đấy?
Người lính vừa hỏi vừa cúi sát xuống, lấy tay đỡ khuôn mặt đang vật nghiêng của Lạng lên:
- Đừng vờ nữa, tao cho một quả vào ngực mà tắt thở luôn bây giờ - Lời lẽ thì dữ tợn, nhưng giọng người lính lại không có vẻ hung hăng lắm. Lạng rên rỉ, cầu cứu:
- Anh đỡ dùm... đau quá!...
- Hừ, đã làm tình báo còn sợ đau...
Lạng nín lặng. Hóa ra chúng nó đã nghi mình là tình báo thật. Nhưng lấy chi làm bằng chứng? Ối, đau quá. Lần đầu tiên trong đời anh phải chịu đòn đau, mặc dù trong tưởng tượng anh đã từng nghĩ tới bao nhiêu hình thức tra tấn ghê gớm khác nữa. Liệu mình có chịu đựng nổi không?
Người lính đã giúp Lạng đứng dậy. Anh ta nhìn Lạng một lúc rồi khẽ lắc lắc đầu:
- To gan thiệt... Tôi thì có cắt cổ cũng xin vái, không dám chơi cái trò ấy...
Lạng định nói một câu nhưng hai hàm răng đã dính bết với nhau không thể nào mở ra nổi. Vả lại anh cũng không biết nên nói cái gì. Chẳng có cách gì thanh minh được điều oan trái. Lạng cúi mặt cố chịu đau, ngồi bệt xuống góc giường.
- Ô hay, định ngồi lì đó hả? Đi!
Lạng cố mở to mắt nhìn người lính. Đi đâu? Anh muốn hỏi mà không nói được. Tuy vậy người lính vẫn hiểu.
- Tôi được lệnh giải ông lên Bộ tư lệnh đặc khu. Đừng để mất thì giờ, đi!
Một cảm giác ghê rợn bất chợt chạy lan khắp người Lạng. Anh nhắm nghiền mắt lại. Người lính xốc xốc khẩu tiểu liên trong tay. Cái nòng súng hơi chếch lên một chút ngang tầm thắt lưng của Lạng. Anh rùng mình và lập cập bước đi. Từ đâu đó, sâu thẳm trong tâm khảm anh vọng lên một lời hoảng hốt: “Mình đi vào cõi chết”...
Cảnh tượng chiều cuối đông trên những trẳng cát dài trông thật là não ruột. Bầu trời và mặt cát như muốn hòa lẫn vào nhau. Những hàng dương xơ xác rên rỉ trong gió lạnh, thỉnh thoảng lại rùng mình bất chợt như kẻ động kinh. Mây đông đặc từng cục bay vật vờ với nhau rồi rã ra thành từng màng mưa mỏng la đà buông xiên từ ngoài biển vào, choàng lên những xóm vắng của các làng chài cát cái màu bạc mệnh. Sóng dầm dề vật vã như con bệnh lâu ngày không được chạy chữa thuốc thang.
Mưa lâu ngày, đường trên cát không còn là đường nữa. Hai người cứ men theo những đụn cát hình yên ngựa mà đi. Đã cách khá xa khu căn cứ quân sự đồi 24, họ uể oải đi về phía quận Trung Lương. Trông dáng bộ bên ngoài hai người lúc này không còn cái kiểu cách áp giải tù binh nữa, mà là hai kẻ lạc đường đói khát thất thểu tìm nơi trú chân.
- Này...
Người lính đột ngột gọi giật giọng. Chân Lạng như muốn dính bết vào nhau. Người chồm vội lên phía trước. Trống ngực đập loạn xạ. “Này” nghĩa là thế nào? Bắt đầu rồi ư? Hai tai Lạng ong ong hàng trăm tiếng “này” dập vào dội ra.
- Này... Không nghe à? Đứng lại.
Ngực Lạng nhói thắt một cơn đau đột ngột. Hai chân dừng hẳn lại và run khập khậy như đang đứng trên cầu treo mỏng manh. Có thể... bắt đầu thiệt rồi... Lạng vụt nghĩ nhanh và vụt quay lại. Nếu cần thì vồ đếp bóp cổ hắn... Nếu cần thì khóc to lên... Nếu cần thì van lạy... Hàng chục phương kế đặt ra cùng một lúc. Nhưng Lạng vẫn không nhấc nổi người. Ý nghĩ về cái chết như vết mực loang dần trong trí não nhuộm sệt toàn bộ phản xạ nhanh nhảu của anh. Tất cả sẽ bắt đầu bằng một tiếng nổ... Anh nghĩ rõ ràng như vậy nhưng vẫn không dám gọi tên cái bắt đầu ấy ra.
- Nghỉ tí đã ông nội. Đi hăng như là được về nhà ấy...
Người lính xốc lại khẩu súng rồi ngồi xuống cách chỗ Lạng đứng khoảng năm bước chân. Lạng nhẩm tính, nếu lao đến thì phải nhảy hai bước, có lẽ nòng súng kịp tóe lửa. Cần đến gần tí nữa, làm sao chỉ vồ cái là được. Ý nghĩ làm đầu Lạng nóng bừng lên. Hai tay bỗng luống cuống. Hình như người lính đã đọc được ý nghĩ ấy.
- Này, coi chừng nghe. Ngồi xuống. Liều là bắn bỏ đó cha nội ạ!
“Ông nội” rồi hạ xuống “cha nội”. Lạng bất lực ngồi bệt xuống cát, mặt cố tình quay ra phía biển.
- Anh hai mấy tuổi rồi mà dám liều thân làm tình báo dữ vậy?
Người lính hỏi trong sự tò mò rất trẻ con. Lạng chợt nghĩ có lẽ lát nữa nó còn gọi mình là em út hoặc con cháu cũng nên. Sự bực bõ bẩm sinh nổi dậy, Lạng xẵng giọng:
- Các ông cứ như con nít sợ ma, lúc nào cũng nơm nớp tình báo với tình chí. Tôi tình nguyện vào với chế độ này... Gia đình tôi có nợ máu với ngoài đó...
Người lính đột ngột cười vang:
- Ha ha.. nói nghe ngon lành quá! Thôi đi chú mày! Cứ cái giọng leo lẻo ấy thì toi mạng đến nơi đó. Chính chú em mới trẻ con. Những bộ óc tình báo trong này dù có thơ ngây đến mấy cũng chẳng bị lừa vì cái giọng bo bỏ ấy đâu.
- Vì sao?... Vì sao nào?
- Im mẹ cái mồm mày đi. Nhóc con mà dám nói dối như cuội ấy. Những mạng lưới điều tra khổng lồ của Cục an ninh Quân lực đã trả lời rành rọt rồi con ạ. Mày không phải là con cái lão đếch gì mà bị Việt Minh phéng cổ đâu. Dòng máu mày là dòng máu khác, dòng máu Việt cộng nòi. Bố bảo cho thế để đừng có ảo tưởng với mấy lời khai cũ, đến khi ân hận thì quá muộn đấy con ạ.
Như một quả tạ giáng xuống đầu Lạng. Anh chết lặng người. Lẽ nào cuộc đời lại trớ trêu đến thế? Trong một giây quá khứ cuồn cuộn trào lên... Những tiếng đồn đại của dân làng hóa ra có thật ư? Hay là chỉ vì những lời đồn đại ấy mà bọn gián điệp gà mờ đã khẳng định như vậy? Mình không phải con bố Ất, nghĩa là mình không phải họ Hoàng? Mình là con ông Học thiệt ư? Con một phó chủ nhiệm hợp tác xã? Lẽ nào họ của mình là Ngô Sĩ.
- Tao nói cho mà biết thế là cốt để cứu mày. – Người lính bỗng đổi cách xưng hô – Nói thiệt là tao cũng chúa ghét ba thằng cha an ninh. Toàn như cú mèo cả. Mày cứ liệu đấy, chẳng ai tin mày đâu. Lên trên đặc khu thì liệu đấy mà khai. Ương bướng chỉ thiệt mạng thôi.
Lạng hầu như mất hẳn ý chí và lòng kiêu hãnh. Sau khi về đến đặc khu anh đã kể hết tất cả hoàn cảnh của mình, kể cả những lời đồn đại mà chính mình cũng nửa tin nửa ngờ trong suốt bao năm thơ ấu. Rằng anh đúng đã sinh ra trong nhà họ Hoàng, tuy vậy cũng có lời xì xào anh là con ông Ngô Sĩ Học. Nhưng vì gia đình anh là gia đình “nết na” nên đã cấm ngặt những chuyện đó. Cái “nết na” ấy đã đẩy anh trở thành kẻ sống lửng lơ, không họ hàng...
Lạng bị giam lỏng đúng hai mươi hôm. Sau đó nghe đâu đã có những xác nhận mới của Phòng hai Bộ tư lệnh đặc khu quyết định cho Lạng nhập ngũ. Anh được điều về làm lính ở đơn vị công binh cầu đường. Rõ ràng Lạng vẫn không được trọng dụng.
Mặc dầu đã được mặc áo lính hẳn hoi, và trong công việc Lạng lại là người hì hục, tận tụy nhất, song lúc nào anh cũng mặc cảm rằng mình là một tên tù cải tạo. Xung quanh, hình như ai cũng nhìn anh bằng con mắt tò mò, dè dặt. Người ta đang nói với nhau chuyện gì đó vui lắm, nhưng khi Lạng kéo lê chiếc xẻng đến gần thì họ im bặt tiếng cười rồi lảng ra nói những câu thật nhạt nhẽo. Không một ai bắt chuyện với Lạng, trừ mệnh lệnh và những câu chửi tục. Mấy ngày đầu Lạng không thể nào chịu nổi những câu chửi tục. Đã có lần uất quá anh định vung xẻng lên xán bừa vào giữa mặt cái thằng vừa chửi. Nhưng rồi anh cố nén chịu. Vài ba lần nén chịu. Cứ thế, nhịn mãi thành quen. Đầu Lạng cúi thấp hơn, mặc dù trong ngực anh vẫn chưa thôi những cơn tấm tức như sóng cuộn.
Gần một tháng trôi qua, Lạng sống trong âm thầm chịu đựng. Dần dần anh cũng tìm ra được một cách sống thích hợp: bất cần và phó mặc. Suốt ngày Lạng hì hục đập đá, xe đất như một kẻ làm thuê. Hết giờ anh lặng lẽ ngồi một mình, thẫn thờ nhìn ra phương Bắc. Mặc kệ ai xầm xì, chỉ trỏ, mặc kệ cả những đôi mắt xoi mói nhìn trộm, Lạng cứ ngồi thế cho đến khi có lệnh tập hợp.
Lúc này đại đôi công binh đang thi công đoạn đường “Bắc tiến” từ Nam Đông hướng thẳng ra Khe Dưới. Những ngày giáp tết, mưa liên miên. Đất đỏ nhão nhoẹt dính đặc sệt đầu xẻng. Máy húc đi trước xới tung rễ cây, vét cạn những cồn đất cao. Bánh xích băm nhừ lớp đất mặt. Những người lính mang giày cao cổ lội sì soạp trên bùn. Xe tải GMC chở kìn kịt những thùng đất sỏi từ dưới các đồi hoang gần Cam Lộ lên đổ ùn thành đống trên mặt đường. Tiếp đó là công việc của Lạng. Đất sỏi được xúc rải đều mặt đường tạo nên một lớp cứng như đúc bê tông. Con đường đỏ quạch cứ thế mà lăn dần vào khu phi quân sự, chọc thẳng ra miền Bắc như một lưỡi dao bầu bầm máu của tên đao phủ.
Đêm. Cả đại đội đóng quân theo thế dã chiến hai bên trục đường dưới những mái nhà dù lóng lánh. Nhạc nhảy từ phía nhà chỉ huy đại đội vàng lên run rẩy. Những cô gái trong đoàn quân tiếp vụ, mặt dày bộp phấn, đang uốn mông theo nhạc. Mưa vẫn gõ triền miên vào rừng. Lính ở lán ngủ thiếp đi sau một ngày còng lưng xúc đất sỏi.
Những đêm như thế Lạng thường ngồi ôm gối nhìn lên nhà chỉ huy đại đội. Lúc đầu anh không thích thú nhạc nhảy cong cớn đó. Ở miền Bắc bao năm, chưa một lần nào anh nghe thứ nhạc ấy. Nhưng cái gì rồi cũng quen. Hơn nữa bẩm sinh anh đã có “máu” văn nghệ. Tiếng nhạc nhảy như một chất nghiện cứ ngấm dần vào anh. Càng nghe càng thèm thuồng. Lạng rất muốn mò lên nhà chỉ huy để được tận mắt xem các cô tiếp vụ nhảy. Nhưng anh không dám.
Lạng đang ngồi ngẩn người như kẻ si tình bị thôi miên khi chợt nghe phía sau có bước chân ai đi gần lại. Lạng bối rối như kẻ bị bắt quả tang. Anh định nhổm dậy chui nhanh vào lán. Nhưng bước chân phía sau đã dừng sát sau lưng lạng.
- Nghĩ chi hung rứa, chú?
Lạng nhận ngay ra tiếng anh Mẫn bếp trưởng. Từ ngày về đại đội công binh này Lạng sống một cách lạc lõng như đứa trẻ mồ côi thẫn thờ trong một khu gia đình tấp nập. Chỉ duy nhất có một người thường hay đưa mắt nhìn trôm Lạng. Thoạt đầu Lạng rất khó chịu với đôi mắt ấy. Nhưng rồi dần dần anh nhận ra Mẫn không phải là kẻ độc ác. Suất cơm nào Lạng chìa tay ra bê đều được Mẫn đắp vội thêm một miếng cháy to bằng bàn tay. Rồi đến lúc chính Lạng lại hay đưa mắt nhìn trộm người bếp trưởng: Đấy là một thanh niên có lẽ phải lớn hơn lạng gần chục tuổi. Khuôn mặt xương xẩu, tóc quăn, cặp môi rạn nứt như ăn trầu. Hai cánh tay gầy và dài. Cả con người của Mẫn thoạt trông như một cành cây sầu đông trụi lá. Tuy vậy đã gần một tháng rồi mà hai người chưa có lần nào bắt chuyện với nhau.
- Răng trông buồn thiu rứa, nhớ nhà hí?
Mẫn hỏi rồi ngồi xuống bên Lạng. Tiếng nhạc nhảy vẫn bồng bềnh, chao đảo trước mặt. Gió lạnh thổi tạt từng cơn khiến tiếng nhạc có lúc mất đi đột ngột như chìm xuống đáy vực rồi bất ngờ rồ lên từng cơn như tiếng kêu cứu thất thanh. Tự nhiên Lạng bỗng thấy run sợ Hình như có tai họa gì đó sắp sửa áp lên người Lạng. Bất giác anh rùng mình. Bàn tay Mẫn đã đặt nhẹ lên vai anh.
- Này... ở ngoài nớ thế nào hè?
Tiếng Mẫn cũng thầm thì run run y như tai họa đã quay đầu chĩa về phía Mẫn... Chuyện gì thế nhỉ? Lạng thầm hỏi trong ý nghĩ thấp thỏm không yên.
- Ngoài nớ.. nó như thế nào?
- Là thế nào?
- Là... nói chung mọi thứ?
- Thì vẫn thế...
- Là thế nào?
- Cũng chẳng thế nào cả...
Không ai có thể nhận ra nội dung của những lời đối thoại vụng trộm và vô nghĩa ấy. Nhưng cả Mẫn lẫn Lạng đều tự hiểu. Cả hai đang đi chênh vênh trên một giới tuyến mỏng manh và éo le như sợi chỉ giăng qua bờ vực.
- Ngoài nớ... có hay thiết quân luật không?
- Nỏ (2)
- Có cố vấn không?
- Nỏ!
- Thế thì làm thế nào?
- Làm hợp tác chứ thế nào?
- Hợp tác là cái gì?
Lạng hơi khó hiểu vì sao Mẫn lại hỏi tỉ mỉ những chuyện ấy. Anh đáp dè dặt.
- Ơ hay hè, rứa tổ đổi công là cái chi?
Lạng sắp sửa cáu kỉnh:
- Cái anh ni hay hè. Thì làm đổi công chứ chi nữa. Nói thí dụ, nhà anh giúp nhà tôi cấy, nhà tôi lại trả công gặt cho anh.
- Ơ hay hè, rứa nhà nào cũng có ruộng à?
- Ừ, nhưng hiện chừ thì bỏ chung vào hợp tác rồi.
- Rứa là mất ruộng?
- Xì, có vậy mà anh không hiểu à? Bỏ chung vào rồi cùng làm cùng hưởng. Người mạnh giúp người yếu, nhà nhiều công giúp nhà ít công...
- Ơ hay hè...
Những tiếng “ơ hay hè” cứ khe khẽ phát ra giòn như hạt mưa rơi trên máng xối. Hai người cứ đà ấy mà ngồi sát lại với nhau lúc nào không để ý.
- Rứa ngoài nớ có dân vệ không? Có bảo an không?
- Dân vệ là chi?
- Là... kiểu như lính nhưng ở nhà đó, ăn cơm nhà mà có súng...
- À, thế thì cũng có. Ngoài nớ gọi là dân quân.
- Ơ hay hè. Này rứa ngoài nớ...
Cứ vậy, một người say sưa hỏi và một người hào hứng giải thích. Chuyện hấp dẫn và hứng thú hơn bất kỳ một kho sách li kì nào. Tiếng nhạc nhảy đã chết lim đi từ lúc nào. Rừng khúm núm trong gió lạnh và mưa mịt mùng. Đâu đó có những tiếng ngáy khò khò của lính phát ra, nặng nhọc và khổ ải.
“Mình đã nói những gì về miền Bắc?”. Câu hỏi cứ chập hờn mãi trong đầu Lạng. Đêm đã quá khuya lính trong nhà dù ngủ li bì. Riêng Lạng không sao chợp mắt được. Sau buổi nói chuyện như xả hơi bởi quá lâu rồi phải im lặng, Lãng bỗng giật mình run sợ. Biết đâu Mẫn là người theo dõi mình? Ừ, dại quá, mình cứ kể tuồn tuột hết mọi chuyện. Nghĩ đi nghĩ lại Lạng thấy có chút yên tâm vì thực ra cũng chẳng có điều gì bí mật. Như vậy mình vẫn chưa phải là thằng phản bội. Lạng thấy xốn xang như có cặp mắt ai đó từ trong khoảng đêm sâu thẳm nhìn xói vào mình.
Mình không phản bội!... Mà cũng không hề dối trá. Như vầy còn có duyên cớ gì mà sợ hãi. Nghĩ vậy nhưng Lạng vẫn thấy chờn chợn. Có lẽ vì mình đã kể về miền Bắc một cách quá sôi nổi nhiệt tình. Ừ, mà cũng lạ. Mình có gì với ngoài đó mà say sưa đến vậy? Những ngày sống trên đất Bắc, mình luôn luôn tủi hổ và ấm ức kia mà? Rứa mà chừ vẫn nhớ. Nhớ quá đi thôi. Lạng nhắm nghiền mắt lại, cố gắng ngủ. Cả một Vĩnh Linh cuồn cuộn hiện ra trong trí nhớ của anh...
Đột ngột cả khu rừng choàng dậy cuống cuồng. Một cái gì đó không rõ rệt xảy ra giữa lúc lính công binh còn ngủ mê mệt. Chớp sáng xanh lè, khói thuốc đạn khét lẹt, tiếng nổ dập dồn từ nhiều phía. Chưa ai trong đám lính công binh này có chút khái niệm gì về một trận đánh. Nhưng bằng trực giác của những con người luôn luôn bị cái chết đe dọa đang ập đến. Đám lính tỏa ra mọi phía, la hét nháo nào. Đất dưới chân tưởng chừng sụt lở hết. Rừng cây như bốc cháy. Ai cũng hi vọng được thoát nhưng ai cũng có cảm giác không thể nào chạy thoát được.
Thực ra đây chỉ là một trận tập kích nhỏ của tổ công an bờ Bắc bí mật phá rối âm mưu làm đoạn đường “Bắc tiến” của Mỹ - ngụy. Trận tập kích chỉ xảy ra chừng mười phút. Vài chục quả lựu đạn với mấy băng AK. Thế thôi, nhưng với đại đội công binh thì biến cố này như là một trận động đất.
Lạng co giò đạp băng qua quãng rừng cằn phía nam, cắm cổ chạy không hề ngoái lại. Những dây leo chằng ngang dưới đất mấy lần quật Lạng ngã nhào. Hình như ở trán cháy máu. Mặc kệ, Lạng cứ cắn chặt hai hàm răng cho khỏi run, cố để tay lên bụng cho đỡ đau thắt mà chạy. Cái sợ đối với Lạng có một ý nghĩa đặc biệt khủng khiếp. Đấy là nỗi sợ bị trả thù. Lạng linh cảm thấy giây phút phán xử đã đến. Anh chạy thục mạng trong một nỗi tuyệt vọng như thể trời sắp sập. Thoát ra khỏi đám cây rừng là đến đồi tranh. Cỏ tranh lúp xúp trống trải khiến Lạng càng hốt hoảng hơn. Đôi chân phóng rào rào. Có lẽ chẳng ai chạy kịp anh hoặc chạy theo hướng anh. Nhưng Lạng không hề biết điều đó vì anh không ngoái đầu lại một lần nào. Tiếng súng tập kích đã im tự lúc nào anh cũng không hề biết. Lạng chạy như rút ruột.
Bất ngờ Lạng lao sầm vào một người nào đó từ phía bên lao ngang qua. Cả hai gần như cùng một lúc hét lên một tiếng nghe khủng khiếp như tiếng kêu trước lúc tắt thở. Rồi cả hai, không hề có một giây nghĩ ngợi, ôm chằng lấy nhau, quật lộn nhau xuống đất, lăn sầm sập trên cỏ tranh, cào cấu, cắn xé, bóp cổ. Tiếng thở hồng hộc chèn vào nhau. Tiếng rên hư hử. Tiếng đấm thụi huỳnh huỵch. Lạng lật được người lên trên, đè đầu gối vào bụng kẻ nằm dưới, rồi cứ đà ấy anh nhún toàn thân. Một tiếng “ợ” trào lên nghe lẫn với tiếng rên khe khẽ:
- Mạ ơi... con chết – Việt cộng...
Đột ngột Lạng chùng tay lại. Toàn thân anh run lên. Cái chút trí tuệ người ít ỏi trong anh lúc này chợt thức tỉnh. Lạng nhận ra tiếng rên của người quen. Anh gọi cuống quít:
- Anh Mẫn!... Anh Mẫn phải không?
- Chao... thằng Lạng... hứ? Mi... giết... tao...
- Anh ơi...
- Mi...
Rồi im lặng. Nỗi hãi hùng cùng với sự tuyệt vọng giây lát đông đặc lại trong trí não Lạng cái màu tối của đêm cuối đông này. Lạng cứng đờ cả tay chân ngồi câm lặng nghe tiếng thở mỗi lúc một yếu dần của người bạn. Anh chẳng còn biết chỗ này là chỗ nào chỉ ang áng rằng đã cách khá xa khu đóng quân của đại đội. Chẳng ai biết được tội lỗi của anh. Nhưng riêng anh, làm sao mà trốn nổi. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã tự tay giết một mạng người. Cả cơ thể anh, trí não anh rệu rã ra đến mức không thể nào cử động được. Anh cứ ngồi vậy, mặt cúi gục xuống. Máu từ trán, từ má chảy rỉ xuống khóe miệng tanh nặc và mặn chát. Lần đầu tiên anh biết tởm lợm mùi máu.
- Mạ tau... ở Đông Hà... gọi là bà Tĩnh... buôn đồ gỗ... gần chợ. Tau con một... tau thương... Mạ ơi!...
Tiếng “ơi” cuối cùng nấc lên như một tiếng khóc. Cả tấm thân gầy guộc của Mẫn bỗng giãy lên đành đạch. Lạng hốt hoảng chồm người tới đè lên ngực Mẫn. Sau cái giãy giụa như muốn vùng chạy, Mẫn nằm co quắp, cứng đờ. Lạng run rẩy kéo thẳng chân tay bạn ra. Một cảm giác ghê rợn bất ngờ chạy lan người Lạng. Hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Anh lùi dần, lùi dần rồi đột ngột vùng chạy.
4
Chợ Đông Hà những ngày giáp tết đông một cách lạ thường. Thôi thì ngàn vạn thứ hàng hóa thi nhau đổ vào đây, la liệt đủ màu sắc, đủ mùi vị. Người chen người, hàng chen hàng, tiếng rao mời, lời thách giá, những câu nói cay, nói mát khích bác chửi rủa trộn lẫn nhau tạo nên cái mớ âm thanh khổng lồ huyên náo. Tiếng máy thuyền dưới sông, tiếng xe lam trên bến, tiếng đài bán dẫn, băng cát – set mở to hết cỡ như chửi nhau, thách đố nhau, nháo nhác inh ỏi. Người vừa giật được món hời cười nói bô bô, kẻ bị móc túi khóc lóc mếu máo. Anh mù quờ quạng ôm chiếc đàn hát đến khàn giọng. Cô gái làm điếm cười gần như khô cả hai hàm răng để chào khách. Trẻ con thi nhau đốt pháo khói mù trời.
Giữa đám người nghìn nghịt, hỗn độn nhưng cũng tinh sỏi chợ búa ấy, sáng nay có một thanh niên khoác bộ qu
Đã ngót nghét mười năm, từ 1954 đến khi câu chuyện này xảy ra; cuối năm 1964, con sông Hiền Lương được quàng vào mình một cái tên mới, Sông giới – tuyến. Tên mới mà lại rất cũ, cũ mà lại quá mới, như vành khăn tang mà bất kỳ một ai không thích nó vào đầu cũng thấy bàng hoàng không tin được một điều bất hạnh khủng khiếp đã xảy ra với chính mình.
Vào những năm ấy, sông Hiền Lương cũng là nơi thu hút bước chân của nhiều người. Người ta đến bờ sông này với rất nhiều lý do khác nhau. Trước hết là bước chân của những nỗi đau, nỗi nhớ, những day dứt và khát vọng. Có người mẹ từ tít mũi Cà Mau cũng cơm nắm cơm đùm tìm ra tận nơi để được nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng miền Bắc. Rồi lại những bước chân khắp năm châu bốn biển tìm về đây như tìm đến một sự thật lịch sử, một đòi hỏi nóng hổi của thời đại này: độc lập – tự do. Rất nhiều lý do khác nhau. Trong đó dù không nhiều cũng có những kẻ chạy trốn. Trốn khỏi một thực tại, một chế độ. Những kẻ đó chẳng còn con đường nào khác là vượt qua giới tuyến.
Những kẻ vượt tuyến đi từ ngoài Bắc vào, thường thường không dám bám theo trục đường quốc lộ 1. Vì như vậy rất dễ bị lộ. Họ rẽ lên phía tây, vượt qua những dãy đồi đất sỏi trập trùng của Quảng Bình mà vào Vĩnh Linh. Tại đất giới tuyến này, phía tây con sông Sa Lung cũng là những dãy đồi tràm lúp xúp mênh mông của Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy. Chẳng có lực lượng công an hay dân quân nào rải cho khắp các khu đồi ấy. Cho nên những kẻ vượt tuyến may mắn thường lọt được vào tận ngã ba sông, nơi con nước Sa Lung đổ vào sông Hiền Lương.
Nhưng cái ngã ba sông mà nhiều kẻ đã gọi là “tam giác chết” này, ông trời đã không dung kẻ phản nghịch. Con sông Sa Lung đang chảy một cách thong dong theo hướng Bắc – Nam song song với quốc lộ 1, đáng lý ra nó phải hợp với sông Hiền Lương thành một góc vuông thì có lẽ tạo hóa đã đoán trước được sự thể những năm tháng này cho nên mới uốn quặt dòng Sa Lung rẽ ngược lên hướng tây một đoạn khá dài rồi mới lại ghép vào dòng sông giới tuyến mà quay ngoặt trở lại để ra biển. Chính cái khúc oái oăm này đã tạo nên cái lưới bẫy. Những kẻ vượt tuyến thường đi ban đêm, cứ lò dò nhằm hướng nam mà vào. Bên tay trái họ là dòng Sa Lung chảy xuôi theo hướng họ đi. Trước mặt là sông giới tuyến giăng ngang. Họ đinh ninh như vậy. Cho nên đến khi bàn chân chạm phải đoạn sông giăng ngang thì lập tức họ thầm reo lên trong lòng: Bến Hải, Hiền Lương đây! Thế là nhào xuống. Lặn một hơi thật dài thì ra được gần nửa sông. Ngoi lên lấy hơi rồi lặn thêm cú nữa. Đã hai phần ba biên giới rồi. Họ vung tay đạp nước ào ào. Chạm bờ rồi. Thoát khỏi bàn tay cộng sản rồi. Ơ, sao vượt tuyến lại dễ dàng đến vậy? Họ lên bờ. Việc đầu tiên là những kẻ đó phải tỏ ngay tấm lòng mình cho người bờ Nam hiểu kẻo bị bắn oan. Họ, mặc dầu áo quần còn ướt sũng nước, có khi rét đến cứng hàm, nhưng vẫn rán hơi rướn cổ gào thật to: “Ngô tổng thống muôn năm”. Và ngoảnh ra bờ Bắc, nơi đã nuôi họ từ khi chiếc tã còn đẫm mùi hăng hắc cho đến ngày biết bơi biết lặn, họ hét: “Đả đảo chế độ cộng sản độc tài!”. Đáp lại tiếng hô của họ là mấy bóng người chạy ra im lặng nắm tay họ kéo vào một ngôi nhà nào gần nhất. Họ vừa hồi hộp vừa sung sướng vừa hô líu lưỡi: “Ngô tổng thống muôn năm!”. Đến khi chui vào nhà, ngẩng mặt nhìn lên bỗng thấy ảnh Cụ Hồ, họ đứng đực ra như cây sú chết cháy. Cụ Hồ vẫn cười hiền từ nhìn họ. Còn chủ nhà, có lẽ đã quá quen với cảnh này nên khoát tay chỉ ra ngoài và giới thiệu bằng một giọng tự nhiên đến mức sởn cả gáy: “Các bác hô khẩu hiệu khí sớm. Sông Hiền Lương phía trước nớ tề!”. Dĩ nhiên sau đó số phận những kẻ dại dột ấy thế nào, có lẽ ai cũng đoán được.
Đêm nay, đêm tháng chạp 1964, có một kẻ vượt tuyến khôn ngoan đã không lặp lại tất cả những gì mà những kẻ ngờ nghệch trước đây đã mắc phải. Mặc dù, nếu không nhầm, thì đây là người vượt tuyến nhỏ tuổi nhất. Mới bước vào tuổi mười sáu. Nhưng hơn tất cả những kẻ rủi ro trước đó (có khi là những tên gián điệp đã gần ba chục năm làm nghề), anh ta đã sinh ra, lớn lên ngay trên đất giới tuyến này. Cái khúc ngoặt trớ trêu của dòng Sa Lung đối với anh lại đơn giản như một bờ giậu qua nhà hàng xóm. Vả lại anh ta chẳng dại gì mà chọn hướng ấy để vượt.
Khôn ngoan trước luồng lạch của dòng sông, nhưng trong cuộc sống anh lại ngờ nghệch hơn tất cả những kẻ khác. Ngờ nghệch đến mức để cuộc sống của mình dấn vào đêm nay, chỉ vì cuộc cãi vã với thằng bạn giữ trâu. Thằng bạn ấy anh có ghét gì nó đâu, ngược lại, anh đã quí mến nó suốt cả thời thơ ấu. Nó chậm chạp hơn anh trong việc đi trâu, kiếm củi. Những nắm cơm đem theo ăn trưa ở bãi trâu, góp chung lại, nó thường dồn cho anh ăn những miếng khoai nhiều bột hơn hay miếng dừa kho béo ngậy. Thằng bạn ấy trọng nể anh vì anh khỏe mạnh hơn, xốc vác hơn trong việc giữ trâu, kiếm củi. Bao lần anh dồn thêm cho nó bó củi đầy đặn, và cũng bao lần anh bươn qua gai góc rú Linh để tìm lại con bò đực của nó hay đứt chạc chạy ròng... Vậy đấy, mà buổi trưa nay không hiểu sao nó lại cãi bướng Lạng. Đã vô ý đạp vỡ cái ống sáo Lạng mới khoét được, lại còn làm bướng. Cái sáo tiếng đẹp làm sao, cứ ghé miệng vô là tuôn ra những âm thanh thật tròn, ai nghe cũng thấy khoái! Lạng chỉ đẩy vào vai nó, mắng “thằng đui”. Vậy là nó ngã lăn ra, ôm ngón chân vấp phải cục đá la làng, rồi chửi Lạng “Đồ con nhà địa chủ ăn xương ăn máu người ta”... Lấy hòn đá mà đập vào đầu Lạng còn hơn chửi Lạng như vậy. Lạng thấy nhói buốt từ đầu đến chân. Anh quay lưng, cúi nhặt ống sáo dập, dùng tay bẻ vụn nát cả ra, rồi lẳng lặng đi tới một bụi sim, gục mặt vào đầu gối, ngồi suốt buổi chiều. Buổi chiều nặng nề quá đối với đời Lạng. Nặng quá, nặng đến mức không chịu nổi, và ý định trốn biệt khỏi cuộc đời – như Lạng nghĩ là cách tốt nhất – đã dẫn anh đến cái đêm ra đi!
Trên dòng Hiền Lương có những điểm tưởng rất lỏng lẻo, chính lại là nơi hiểm nghèo nhất. Ngược lại, có những khúc bề ngoài có vẻ canh phòng chắc chắn nhất lại là nơi khả dĩ có thể lọt lưới hơn cả. Chỉ người ở ngay đất này mới tìm ra ẩn số ấy. Và anh ta, công dân Hoàng Lạng, đã lọt qua các khe hở của các cửa trận một cách không đến mức căng thẳng.
Sự căng thẳng đối với Lạng lại diễn ra ở một phía khác.
Khi làn nước lạnh của dòng sông Hiền Lương ngoạm vào chân anh ta thì một cảm giác tê buốt như lưỡi gươm xuyên lạnh khắp người Lạng. Mới mười sáu tuổi đầu. Trái tim anh, tấm lòng anh, cả trí não anh nữa, đang bị dòng nước lạnh siết vào. Bàn chân ngập ngừng, tê cóng. Mặt sông đang tràn bóng tối. Bao nhiêu mạo hiểm đang chờ. May mắn hay bất hạnh?
Phía cửa biển, gió hú dài những chuỗi âm thành lâm ly, ghê rợn. Mấy bóng điện bên bót gác bờ Nam chập chờn, ma quái. Lạng cắn chặt vành môi. Anh nghe rõ con sông đang sôi trong tâm khảm mình. Sóng đập vào trí não, rồi dội xuống trái tim, trái tim lại dồi lên trí não. Âm thanh cứ nhại đi nhại lại như tiếng gọi dội vào vách núi đá: “Vượt đi!”, “Dừng lại!”, “Vượt đi!”, “Dừng lại!”.
Một thanh niên 16 tuổi – không, phải nói chính xác là 15 tuổi 7 tháng – dám bỏ nhà, bỏ quê, bỏ hết bạn bè mà ra đi, tới một nơi không hề biết trước, không hề có chút bảo đảm nào. Chỉ thế thôi, cũng đã thấy sự liều lĩnh đến mức nào. Huống chi nơi đó lại là bên kia tuyến, là một chế độ khác, một thế giới khác, một cõi trời đối lập. Mà sự đối lập nào phải ở phong tục, tập quán, hay sự khác biệt, may ra.... Không. Đây là đối lập của súng, là chết hoặc sống. Là cõi trần hay địa ngục. Là kiếp người và kiếp thú. Nói tóm lại, một sự khác biệt mà không thể nào tưởng tượng ra nổi.
Dòng nước tê tái làm liệt dần cái bối rối hầm hập trong tim anh. Sự liều mạng thường quá đà và trượt dài trong mù quáng. Cả thân người anh đã ngâm xuống nước. Trái tim như đóng băng. Anh bơi, run rẩy và vụng trộm. Tiếng nước roóc reéc như cố tình mách lẻo. Da thịt anh không còn cảm giác. Cái sức lực bẩm sinh của một câu bé chăn bò, đá bóng, được bọc trong lớp da đen bóng như mạ đồng, bỗng tiêu tan quá nửa vào nước. Chưa bao giờ anh thấy mình yếu đuối như lúc này, có những lúc Lãng ngỡ như không khoa tay lên được nữa. Cả cơ thể chìm xuống. Anh nín thở mặc kệ. Thôi thì chìm đi. Thà như thế còn hơn...
Nhưng rồi cái cơ thể lại nổi lên. Anh vẫn tham sống, mặc dầu cuộc sống phía trước rồi sẽ ra sao, anh không hình dung nổi... Cố bơi, cố nữa... anh đã đến giữa sông...
“Hay là quay lại?!”. Ý nghĩ bất chợt ùa đến dữ dội như một cơn lốc. Quay lại! Trở về với đàn bò mộng mà hợp tác xã vẫn giao cho anh giữ. Trở về với bãi cỏ trảng phoóc và con đường đất đỏ 12 thơm ngát hoa chạc chìu. Trở lại với những đêm chiếu bóng trên sân Ủy ban kìn kịt người xem. Những đêm ấy, anh vẫn vào buồng chiếu xin được hát một bài. Bài hát “Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng...” rất hợp với giọng nam trung của anh...
Ý muốn như cơn lốc, nhưng cơn lốc chỉ xoáy tại chỗ, còn thân hình của anh vẫn chầm chậm trường lên phía trước. Đã hai phần ba sông... Rồi chỉ cách bờ Nam sông khoảng bảy thước. Lạng hiểu, đã đến thế giới bên kia rồi. Ở con sông giới tuyến, sự phân chia rất chia rất chi li. Từ bờ sông ra bảy mét là phần nước bất khả xâm phạm của mỗi bên. Từ bảy mét ra giữa sông là địa phận có sự quan sát, chịu trách nhiểm của cả phía bên kia. Anh đã vào vòng bảy mét. Anh đã hoàn toàn thoát khỏi tầm tay của Công an miền Bắc. Bàn chân chới với trong lạch nước đục. Bàn chân chạm bùn. Lạng cố chòi lên. Hai tay với ra níu lấy một ngọn me. Thế là hết. Vĩnh biệt!
Anh không đủ sức quay lại dù chỉ một giây. Cả tấm thân tê cóng phủ phục xuống bùn. Nhưng anh vẫn biết. Sau lưng mình là miền Bắc, là 15 năm của tuổi thơ, của một thời đã sống. Vĩnh biệt! Đột nhiên anh khóc. Khóc trong ngập ngụa bùn lầy.
Mới hôm qua thôi... Thằng bạn chăn bò cùng xóm với anh đã đèo anh bằng xe đạp (nó mượn của ông anh rể) lên xem đội tuyển văn nghệ huyện. Họ diễn một vở kịch xảy ra trên sông này. Đầu đề kịch là “Chiếc nón trôi sông”. Một chiếc nón vô tình bị gió hất ra giữa nước và trôi giạt từ bờ này qua bờ kia. Chiếc nón trở thành mối bận tâm của bao nhiêu người. Giờ đây, anh không bằng chiếc nón. Chẳng ai bận tâm đến anh. Không săn đuổi, chẳng lùng bắt và cũng không hề đón tiếp. Anh cắm mình lên bờ Nam như một cành củi mực ngẫu nhiên dạt vào.
Mới sáng nay thôi... Thằng Hợp con thím Sinh còn khoét giúp cho Lạng một ống sáo bằng tre lồ ô. Chẳng hiểu vì lí do gì mà cả nhà thằng Hợp đều thương yêu Lạng như con đẻ. Thậm chí Lạng có nhiều nét giống Hợp nữa. Có khác chăng là tính nết. Anh lầm lì ít nói, còn Hợp thì mặc dù chỉ kém anh có một tuổi nhưng nhí nhảnh như trẻ lên mười. Bây giờ thì cái ống sáo vẫn nằm nguyên trên đầu giường Lạng. Anh rất thích thổi sáo, nhưng chẳng mang sáo theo. Anh cố tình không mang theo gì. Cố tình gạt mọi quá khứ ở lại. Nhưng quá khứ cứ đeo đẳng trong đầu anh.
Mới trưa nay thôi... Rồi mới chiều nay thôi... Tất cả chỉ mới đó thôi, mà bỗng xa lắc xa lơ y như kiếp trước vậy. Phải rồi, tất cả là kiếp trước. Đã thế còn gì mà sợ hãi? Có gì nữa mà băn khoăn. Lạng chống tay cố vùng dậy. Kiếp trước!... Ồ, hóa ra đã qua một kiếp rồi cơ đấy... Ta đang lao vào cõi âm phủ chăng? Nào, tiến lên!... Lạng thường nghe kể về cõi âm ti, rằng phải đi qua một con sông, có con *** chín đầu canh cửa... Bất giác anh rùng mình. Hình như có tiếng *** sủa thật. Đúng rồi. Tiếng *** bất ngờ dậy ran khắp bốn phái. Chao ôi là ***. Ngỡ như tràn trề bốn phía đều là ***. Hai chân Lạng như bị đóng đinh tại chỗ. Cả thân hình run lên và cứng đờ lại khi đột ngột có một ngọn đèn pha quét thẳng vào. Thế rồi ào ào, người *** lẫn lộn, tất cả từ bốn phía nhào đến:
- Đứng im! Đưa tay lên! Đằng sau quay!
Lạng không còn hiểu mình có làm theo những mệnh lệnh ấy không? Hình như có thì phải. Bởi vì anh vẫn còn một chút cảm giác để nhận ra rằng mình đã quay mặt lại phía Bắc. Và vẫn cái giọng lúc nãy phả ra sau gáy anh.
- Anh là ai?
Lạng nín lặng. Mình là ai? Ủa, là ai nhỉ? Trước mặt anh bây giờ lại là miền Bắc. Nếu còn ở đó thì chẳng ai hỏi mình câu vừa rồi, bởi lẽ mình tồn tại trước mặt mọi người như một lẽ đương nhiên. Còn bây giờ, ở đây, mình là gì? Chẳng lẽ nói là xã viên hợp tác xã, không lẽ xưng rằng chiến sĩ dân quân... Không là gì cả. Ở đây, những gì tồn tại bấy lâu ở anh hoàn toàn không có giá trị. Anh không còn là anh nữa rồi.
- Trả lời ngay, mày là ai? Nói ngay, mày là ai?
2
Cái lai lịch rườm ra của Lạng có những chỗ cũng oái oăm như khúc ngoặt nơi ngã ba sông này vậy. Cho đến cái tuổi đã thành niên rồi mà anh ta cũng không tự hiểu hết cội rễ của mình. Nhưng ở cái làng đất đỏ Vĩnh Hòa này thì nhiều người biết. Một trong những người thấu tỏ cái lai lịch rắc rối ấy chính là tác giả câu chuyện này.
Ở trong cái phủ Vĩnh Linh cũ thì mấy làng đất đỏ ba - zan là những nơi ăn ra làm được nhất. Xã Vĩnh Hòa xưa kia gọi là làng Liêm Công. Làng này được chia ra hai cánh mà một thầy địa lý nổi tiếng đã gọi là hai cánh của một con dơi. Con dơi bay chập choạng trong bóng tối tìm cái ăn. Cả làng Liêm Công từ đời này qua đời khác cũng đúng như vậy. Tuy nhiên ở mỗi cánh cũng nổi lên vài ba con người đáng được gọi là giàu có, và đó là hiện thân cho quyền lực cả làng. Đại diện cho cánh ngoài là dòng họ Lê Văn, không giàu lắm nhưng lúc nào cũng nắm các chức vị hương, hòa, lý, mục. Còn tiêu biểu cho cánh dơi phái trong là họ Hoàng, có thể nói là bồ thóc rương tiền của cả vùng đất đỏ. Đại diện cho sự giàu có của họ Hoàng là gia đình Hoàng Ất. Người đời nay còn truyền lại rằng, cái chuồng bò của nhà Hoàng Ất đông đến mức những người làm thuê thỉnh thoảng dắt trộm một con ra ngoài đồi giết thịt, mà Ất chẳng hay biết gì. Bởi có khi ngay bò trong chuồng cũng giẫm đạp lên nhau mà chết. Mỗi bận lấy phân chuồng người ta kéo ra hàng rổ xương bê con.
Họ Hoàng giàu đến vậy nhưng chưa một lần nào nắm được chức lý trưởng. Cái quyền lực của họ Hoàng không phải là quyền cai trị mà quyền của thúng thóc, đồng tiền. Người ta đồn rằng Hoàng Ất có một con bò Ô khôn ngoan chẳng kém gì chủ. Những nông dân nghèo đến thuê bò cụ Ất về cày ruộng mình bao giờ cũng được Hoàng Ất răn dạy từ trước: “Mày thuê cày nhiều hay ít phải nói cho thật, đừng có cày nhiều nói ít con Ô nó chẳng chịu đâu”. Nghe nói có người cày tấm ruộng hai sào mà nói dối là sào rưỡi. Đến khi cày được hai phần ba tấm thì tự nhiên con Ô đứng lại, cúi đầu xuống dùng sừng hất cái ách ra khỏi cổ. Người thợ cày nhảy tới định khoác lại ách thì lập tức bị con Ô húc cho một phát bổ chửng ra giữa ruộng. Chuyện đó chẳng rõ thực hay hư, nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, cả cái làng Liêm Công này đều sợ oai con Ô đến mức trước khi đi đến nhà Hoàng Ất thuê bò cày, ai cũng phải vác sào ra đo lại ruộng.
Quyền hành đến là vậy, nhưng Hoàng Ất vẫn không mãn nguyện. Cụ cay cú vì chưa bao giờ nắm được chức lý trưởng. Thế rồi đến một năm nọ, đúng vào diup làng chuẩn bị tiêm (1) lý trưởng mới. Hoàng Ất khăn gói lên vai tìm vào tỉnh. Chẳng ai rõ chuyến đi ấy có chuyện gì xảy ra. Chỉ biết độ mười hôm sau, có motọ ông quan Tây về làng trực tiếp tiêm lý trưởng.
Thực là hài hước, bởi ông quan Tây này là một lái buôn. Đi theo ngài là một thông ngôn mắt lé. Về đến làng, thông ngôn thay mặt quan truyền lệnh: “ Để mừng quan Tây hạ cố về làng, dân làng phải đem nạp một hộ 5 kg mảnh bát sứ cổ Trung Quốc”. Thế là cả làng sục tìm khắp gốc tre bờ giậu. Có nhà bí quá phải đập vỡ những bát ăn cơm của nhà ra để lấy mảnh.
Sau đó cũng chính ngài thông ngôn nói với lý trưởng: “Hãy chọn một gia đình sang trọng nhất để cho quan nghỉ lại”. Lý trưởng họ Lê Văn, trước hết muốn mời quan về nhà mình. Nhưng mới đảo mắt nhìn qua, ngài thông ngôn mắt lé đã lắc đầu quầy quây: “Nhà cửa gì ông mà gớm ghiếc thế này, quan ở làm sao được!”. Lý trưởng thẹn cháy mặt nhưng đành cắn răng chịu. Ông dẫn ngài thông ngôn đi suốt tám nhà giàu có của họ Lê Văn, nhưng đến đâu ngài thông ngôn cũng bĩu môi: “Hừ, quan Tây chứ có phải lợn cỏ đâu mà các ông cho ở những cái chuồng này”. Cả họ Lê Văn thở dài sườn sượt. Cuối cùng chính thông ngôn phải nói toạc ra: “Tôi nghe nói làng này có nhà ông Hoàng Ất giàu lắm kia mà?”. Cả họ Lê Văn trố mắt kinh ngạc vì không hiểu bằng cách nào mà quan tỉnh lại biết được. Cực chẳng đã, họ phải dẫn quan trên vào làng trong. Vừa bước chân đến nhà Hoàng Ất, ngài thông ngôn đã reo lên: “Có thế chứ, tốt lắm! Chỗ này rất vừa lòng quan Tây”.
Thế là “cánh dơi” trong nhờ có họ Hoàng mà rước được ông mũi lõ vào, mặc dầu ông quan nước mẹ này hầu như chẳng quan tâm gì tới chuyện đó. Hai con mắt đùng đục đồng thau của ngài chỉ chằm hẵm vào đống mảnh sứ mà dân mang đến đổ đầy sân Hoàng Ất. Mọi việc giao dịch ở tay thông ngôn.Vài người tò mò nhìn vào thì thấy quan Tây có rút tiền ra giao cho thông ngôn. Nhưng sau đó thông ngôn lại “dịch” ra rằng: “Ngài rất hài lòng về món quà của dân làng. Ngài rất cám ơn”. Hóa ra ngôn ngữ bên Pháp với ngôn ngữ bên ta khác nhau đến mức ấy. Đưa tiền ra, nghĩa là xin cám ơn. Không trách gì mà phải cần phiên dịch.
Cả làng, chỉ mình Hoàng Ất là hiểu thấu đáo mọi chuyện. Ngài thông ngôn được một món tiền to. Để đổi lại, ngài thông ngôn “dịch” lại lời quan Tây rằng: “Lý trưởng của một làng phải là người đại diện cho bộ mặt của làng, phải nói là nơi sang trọng nhất, danh giá nhất. Vì vậy, quan trên thấy lần này cần thiết phải bổ nhiệm ông Hoàng Ất thay chức lý trưởng”.
Thế là lần đầu tiên chức lý trưởng và tiếp sau đó là các chức vị khác rơi vào tay họ Hoàng. Mà kể ra thế mới xứng đáng với đống mảnh sành mảnh sứ kia chứ.
Hoàng Lạng ra đời trong ngôi nhà sang trọng của Hoàng Ất vào những năm mà cái chức lý trưởng đã không còn nữa vì Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng kháng chiến đã khống chế toàn xã. Nhưng quyền lực của Hoàng Ất thì chưa mất.
Ngay từ ngày còn nằm trong nôi, Lạng đã không được Hoàng Ất âu yếm. Điều đó Lạng chỉ biết sau này, khi mà toàn bộ cơ ngơi của Hoàng Ất đã tan tành. Nhưng mẹ anh thì hiểu rõ ngay từ khi còn mang con trong bụng. Bởi thực ra, cái thai đó không phải là giọt máu của họ Hoàng. Câu chuyện trớ trêu này có dính dáng đến bò Ô.
Trong làng có anh tợ cày tên là Ngô Sĩ Học, thân hình lực lưỡng, nhưng tính khí hay bông đùa, hài hước. Nhưng mọi chuyện “bông đùa” của Học không bao giờ không có mục đích. Ví dụ có lần cả đám thợ làng đi gặt thuê cho nhà Hoàng Ất, nghe người bạn than thở về chuyện đói kém, Học đã quẳng cả hai bó lúa trên vai mình vào bụi và bảo bạn chờ tối trời hãy gánh về nhà. Cả đám trai làng sợ hết hồn, nhưng Học vẫn ung dung tuyên bố: “Miễn là đừng đứa nào phản tao là được”. Một anh bạn nói: “Ai phản mày, nhưng chốc nữa lấy lúa đâu mà nạp cho lão Ất?”. Học vẫn đủng đỉnh: “Đừng lo, chỉ cần chúng mày đừng có về sớm”. Cả đám thợ gặt chờ cho đến nhá nhem tối mới hộc tốc gánh lúa chạy qua hè nhà lớn đổ vào sân sau của Hoàng Ất. Một người đầy tớ của Ất đứng ở đầu hè đếm số gánh. Đám thợ gặt theo mưu của Học chạy liền nhau thành một hàng. Học chạy gần cuối. Hai đầu đòn xóc của anh cắm vào hai bó lúa của người chạy trước và chạy sau. Cứ thế Học cũng chạy, nhún nhảy như gánh nặng. Loáng thoáng trong hoàng hôn, người đầy tớ nhìn lướt đám thợ gặt chạy hùng hục qua trước mặt, ai cũng nặng trĩu hai bó lúa trên vai. Chẳng hơi đâu mà đếm. Hai mươi tám người gặt thì hẳn là hai mươi tám gánh còn gì nữa. Đám thợ gặt sau khi ra khỏi nhà Hoàng Ất đã ôm nhau cười đến muốn vỡ bụng.
Học nghe thiên hạ đồn về con bò Ô của Hoàng Ất, anh không thể tin được. Một bữa anh đến gặp Hoàng Ất:
- Thưa ông, cháu có mười thước ruộng, cháu xin ông cho thuê con Ô một buổi.
Hoàng Ất nhìn Học một hồi lâu vẫn chưa thấy ừ hữ gì. Học lại cất tiếng:
- Thưa ông, cháu...
Thực ra Hoàng Ất chỉ hơn Học độ dăm tuổi là cùng. Nhưng vì ý thức đầy đủ về vai trò kẻ cả trong làng nên không bao giờ Ất trả lời ngay bất cứ một lời hỏi thăm nào. Ất rất thích nghe đi nghe lại nhiều lần những câu thưa bẩm.
- Thưa ông, cháu chỉ có mười thước ruộng...
Đến đây Hoàng Ất mới gật đầu:
- À, anh thuê bò hả. Nhưng ruộng nhà có bao nhiêu?
- Dạ, tấm ruộng sát bên cạnh ruộng chân đê của ông đấy. Đúng mười thước ạ.
Hoàng Ất cũng biết ruộng của Học. Nhưng gần như là thói quen hắn răn dạy:
- Thôi được, Nhưng con Ô nó khó tính lắm đấy. Đừng có nói dối.
Sáng hôm sau Học đến nhận bò, Hoàng Ất vỗ nhẹ vào lưng con Ô, ân ái như nói với con:
- Này Ô, sáng nay cày giúp cho thằng Học mười thước ruộng nhé. Nhớ là mười thước, chưa tới một sào đấy nhé!
Học nhận bò về, anh nhảy qua nhà người bạn nghèo bên cạnh và bảo:
- Này, sáng nay mày ra trổ nước vào ruộng, tao cày giúp cho.
Người bạn còn đang ngơ ngác thì học nháy mắt cười. Anh lùa con Ô qua ruộng người bạn trước. Tấm ruộng ấy cũng gần bằng tấm của Học. Anh cày xong quay lại bừa. Bừa thật kỹ ruộng bạn rồi để nguyên ách trên cổ bò, anh dong qua ruộng mình. Lại cày xong tấm ruộng của anh. Con bò mệt phờ thở phì phò nhưng mỗi lần muốn dừng nghỉ thì lập tức roi mây Học giáng xuống... Bò Ô đành phải rán ruột kéo.
Chuyện ấy sau đó lại được đám trai làng truyền tụng cho nhau trong tiếng cười đến chảy nước mắt. Dĩ nhiên tiếng cười hả hê đó cuối cùng cũng lọt đến tai bà Ất.
Bà Ất, dân làng từ xưa vẫn gọi thế bởi sợ oai ông Ất – thực ra đấy là một người đàn bà vừa trẻ, vừa đẹp lại nết na. Bà tên là Lành, bố là một thầy đồ (còn ông nội là một vị quan đô đốc bất mãn với triều đình bị bãi chức). Cái nết na của bà Lành chính là cái khuôn phép nhà nho mà cả dòng họ của bà truyền nối lại. Bà lọt vào ngôi nhà Hoàng Ất thực như là bông hoa nhài cắm bãi *** trâu vậy.
Từ khi nghe lọt chuyện mướn bò của Học, ông Ất căm lắm. Phải như thời trước cách mạng, hắn Học đã phải đi phu cho đến trọc nhẵn tóc trên đầu rồi. Nhưng giữa thời buổi này, cái thế du kích bí mật mạnh lắm. Ất giận nhưng phải nín thinh. Còn bà Lành cố để ý xem xem người thợ cày đáo để ấy là ai. Thế rồi bà phát hiện ra Học trong đám người làm thường lui tới. Cuộc đời thật trớ trêu, chẳng ai có đủ thì giờ mà dò la thóc mách xem vì lẽ gì mà một bà quyền uy như vậy lại đi mê chàng trai cày lém lỉnh. Bà Lành hết sức bịt kín mọi chuyện mặc dầu tiếng đồn ngày một inh ỏi. Ông Ất cũng biết, nhưng phần thì sợ oai du kích, phần thì sĩ diện với chức lý trưởng, ông đành giả điếc giả câm. Còn bà Lành lại càng không dám để giống dòng nho gia của mình bị bôi nhọ. Thế nên Lạng sinh ra, tuy không được bố và các anh chị yêu quý, vẫn phải mang dòng họ Hoàng.
Nếu cuộc đời cứ thế mà bình lặng trôi qua thì có lẽ cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng bởi con người ta, tham vọng quyền lực là một bản năng không giới hạn. Năm 1953, một trận càn lớn của Pháp đổ ập về Vĩnh Hòa. Trước sức ép quá lớn của hai tiểu đoàn lê dương, dân quân du kích phải tạm rút vào rú Lĩnh. Pháp chiếm cả xã ba ngày. Trong ba ngày đó, đám hương hòa, lý mục cũ mới háo hức ngóc đầu dậy. Biết bao nhiêu cơ sở cách mạng bị bắt giết. Đất đỏ Vĩnh Hòa càng đỏ thêm vì máu người, mãi mãi về sau, người dân Vĩnh Hòa vẫn nhắc về năm 1953, năm máu.
Qua ba ngày, Pháp rút đi. Dân quân lại trở về. Dĩ nhiên nợ máu phải đổi bằng máu. Cái đầu của Hoàng Ất đã rơi xuống trong một đêm tháng Sáu. Gió Lào rú trên trảng Cồn. Bắt đầu từ đó, cái vinh quang của họ Hoàng chấm dứt.
Kháng chiến thắng lợi. Người dân Vĩnh Hòa ai ai cũng háo hức đón chào cuộc đời mới. Suốt những năm cải cách ruộng đất rồi tiến lên thành lập hợp tác xã, câu bé mới bước vào tuổi thiếu niên ấy đã bị một mặc cảm nặng nề, rằng mình là con của cường hào bị cách mạng chém cổ. Càng lớn thêm một tuổi, sự mặc cảm càng lớn thêm ra. Lạng thường thui thủi một mình, học hết lớp bốn thì bỏ học. Lạng tự nghĩ có học cũng vô ích. Lạng nhận một đàn bò hợp tác để chăn. Ngay cả với công việc chăn bò Lạng cũng tự tách mình ra, không muốn chơi chung với bạn bè trong xóm.
Các bạn đội viên thiếu niên cũng như các anh chị lớn tuổi biết rất rõ tâm trạng của Lạng, nên ai cũng nghĩ tìm cách gần gũi lôi kéo Lạng hòa vào với tập thể. Đặc biệt là gia đình ông Học, bà Sinh nhà ở ngay đầu xóm, nơi mà Lạng thường lùa bò ra bãi rồi vào đấy leo cây, hái quả, đã hết sức chiều chuộng Lạng. Thằng Hợp con đầu của ông Học quý Lạng như anh em ruột. Nhờ thế mà dần dần Lạng cũng vui lên. Nó đá bóng chung với bọn trẻ, lại còn tập văn nghệ nữa. Ai cũng khen Lạng có giọng hát hay. Và những đêm đội chiếu bóng về xã, lạng vẫn cao hứng cầm mic – cơ – rô hát dõng dạc bài “Chiếc khăn piêu...”.
Đầu năm 1964, Lạng tròn 16 tuổi. Cuộc chiến tranh phá hoại của thằng Mỹ bắt đầu bùng nổ ở một vài điểm ngoài Bắc. Đất Vĩnh Linh, nơi tiếp giáp đối đầu của hai miền bắt đầu sôi lên như biển động. Mặc dầu đã được chuẩn bị kỹ suốt mười năm nay, nhưng khi bước vào ngưỡng cửa của chiến tranh, tất cả mọi vấn đề, mọi lĩnh vực đều phải được xem xét lại, củng cố thêm một bước. Vì thế những người trước đây có dính dáng đến tề ngụy đều được triệu tập đi học thêm một lớp mới. Trong số này không có Lạng, mặc dù Lạng đã đến tuổi có trách nhiệm trước pháp luật.
Mặc dù không bị gọi đi học, nhưng sự kiện này cũng làm Lạng mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Cái quá khứ bấy lâu được chôn vùi nhờ cuộc sống sôi nổi trẻ trung và thân ái của hòa bình trên đất tuyến này đột ngột bị khuấy lên bởi tiếng bom của chiến tranh ập đến. Với cái tuổi thanh niên, Lạng bắt đầu biết nghĩ nhiều. Người ta chưa gọi đến mình, nghĩa là cái án vẫn còn treo lơ lửng đó – Lạng nghĩ vậy. Cuộc đời làm sao vui được khi trên đầu mình cứ trìu trĩu món nợ truyền kiếp? Mình đã được kết nạp vào dân quân, nhưng biết đâu đó là cái bẫy để cột chặt mình hơn? Chắc chắn mình sẽ không được đi bộ đội. Sẽ không đi công nhân, không thể làm cán bộ. Không là gì cả. Mà ở cái đất này, như thế thì có khác gì một tên tù bị giam lỏng?
Chao ôi là lý sự. Trên đời này người ta tiến cũng nhờ lý sự mà tụt dài, tụt mãi cũng bởi lý sự. Cái tư duy ích kỷ ấy đã gây biết mấy tai ương cho con người. Và Lạng chàng trai mười bảy tuổi đầy lý sự đó đã khẳng định đời mình là một tên tù bị giam lỏng. Đã bị giam thì phải phá tù. Phải phá cũi, sổ lồng thôi... Cái kết cục nghe ra thật quá đơn giản.
3
Khác hắn với mọi sự tưởng tượng của Lạng, anh đã không được đón tiếp một cách hồ hởi, nhiệt liệt theo kiểu “những người thoát khỏi gông cùm Cộng sản trở về với chánh nghĩa quốc gia”. Cũng không bị hỏi cung một cách căn vặn, mặc dù Lạng đã mất mấy đêm sắp đặt các câu trả lời.
Một sĩ quan già, người khô đét như thanh nứa đã giao cho Lạng một tờ khai có mẫu in sẵn: Họ tên, ngày sinh tháng đẻ, tên ông bà bố mẹ, nghề nghiệp, đoàn thể, vân vân. Đại loại là những điều mà Lạng có thể ghi một cách tự tin thoải mái, không phải đắn đo, cân nhắc gì.
Nạp bản tự khai cho người sĩ quan già rồi, Lạng được an nghỉ trong một phòng hẹp, mái lợp tôn, cách biệt với trại lính. Quan sát kỹ thì thấy đây là một ngôi nhà độc lập, có lẽ gọi là phòng giam thì đúng hơn. Xung quanh nhà không được vệ sinh sạch sẽ như dãy trại lính. Trong phòng kê một chiếc giường sắt, có màn che muỗi. Kể ra không đến nỗi như tù. Lạng hồi hộp đến thắt cả ruột, không thể nào đoán nổi số phận của mình rồi sẽ ra sao. Một ngày trôi qua, yên tĩnh. Lại ngày nữa, vẫn thế. Rồi ngày thứ ba chẳng có gì khác cả. Không có ai tra khảo căn vặn gì, cũng chẳng ai săn đón vồ vập. Lạng sống bồng bềnh trong trạng thái mụ đầu như thể ở trong bình chân không. Bản tính lầm lì xưa nay cũng không đủ sức giúp anh chịu đựng. Lần đầu tiên anh khao khát được nói, được hét vang lên, bô bô kể chuyện hoặc thậm chí có thể cãi nhau. Nhưng ở đây, ngay cả chuyện cãi nhau cũng không có đối thủ.
Cũng chưa có sự khởi động nào đủ làm cho anh bừng tỉnh để nhận ra hai chữ phản bội. Không, với anh có gì đâu mà phải day dứt chuyện ấy. Anh ra đi như con nước bị nghẽn dòng tìm lạch để thoát. Vả lại ngay từ những ngày sống trên đất Bắc, anh đã tự tách mình ra khỏi mọi người, tự đối lập mình với chế độ. Thế nghĩa là anh không phản bội ai, anh chưa hề thề thốt với ai cả... Cách lý sự ấy đã giúp Lạng ngay từ phút đầu dám cất bước ra đi. Còn bây giờ, trong trạng thái mơ hồ này đầu anh như đặc lại. Anh chẳng nghĩ thêm được gì hết.
Sáng ngày thứ tư, viên sĩ quan già trở vào phòng của Lạng. Lạng nín thở chờ đợi. Còn viên sĩ quan thì bình thản y như họ vẫn gặp nhau thường xuyên từng giờ.
- Anh bạn trẻ thân mến ạ, tôi rất lấy làm buồn bởi vì anh đã không khai thật...
Lạng chồm người lên:
- Về điểm gì?
Người sĩ quan khoát tay:
- Những điểm cơ bản nhất trong hồ sơ.
- Không, thưa ông, tôi xin cam đoan là tôi đã khai đúng...
Giọng viên sĩ quan vẫn dửng dưng không hề nâng lên hoặc hạ xuống:
- Cái đó tùy anh. Chúng tôi mong lần sau được nhận ở anh những lời khai thành thực.
Nói rồi y đứng dậy đi ra khỏi phòng với một dáng vẻ thanh thản sau khi đã đặt xuống bàn một tờ giấy có mẫu sẵn giống như tờ hôm trước.
Lạng mở tròn hai mắt nhìn trừng trừng. Anh nhìn ai? Chẳng nhìn ai cả. Anh nhìn vào khoảng không trước mặt nơi như chưa tan hết cái âm thanh trơn tru và lạnh lùng của viên sĩ quan nọ. Hoặc có thể anh đang nhìn thẳng vào tâm trí mình. Mình nói dối ư? Không. Anh chưa hề nói dối. Dù cuộc đời có lạnh lùng đến mấy thì anh vẫn tự cho rằng, từ xưa đến nay mình chưa thèm nói dối. Sau này thời chưa biết. Gặp những câu hỏi nguy hiểm khác thì có khi phải nói dối thật. Nhưng với những cái mục đề nho nhỏ trong tờ khai này, có chi mà phải dối trá? Thà rằng ở miền Bắc, với thành phần có nợ máu như mình, có khi vào một hoàn cảnh nào đó phải nghĩ cách giấu giếm. Chứ ở đây, thành phần của mình là đồng đảng đồng chí với chế độ này, lo âu gì nữa mà phải dối. Vô lý. Hay họ thử mình? Đừng hòng lừa nổi ta.
Sau một chặp tự lý sự. Lạng lại cắm cổ viết một mạch. Lời khai hôm nay không có gì khác trước.
Chiều hôm đó viên sĩ quan già trở lại. Lần này Lạng không phải chờ đợi lâu. Sau khi đảo mắt nhìn lướt qua trong giấy, viên sĩ quan, vẫn cái giọng trơn tru ấy nói mà không thèm bận tâm đến sự phản ứng của Lạng:
- Tiếc quá, anh bạn vẫn không nói thật.
Lạng hét to lên:
- Chính các anh mới nói dối...
- Tùy anh, chúng tôi sẽ chờ.
Lạng cáu kỉnh ngắt lời:
- Không chờ đợi chi cả. Nếu cần các ông cứ bắn đi.
- Bạn cứ bình tĩnh, cố mà bình tĩnh. Chúng tôi sẽ chờ.
Lại một tờ giấy nữa đặt xuống bàn và cái dáng gầy đét kia ung dung đi ra như chưa hề có điều gì phật ý. Lạng chồm người lên như một con cọp đói:
- Này... Tôi không viết nữa đâu... Tôi chẳng có chi mà viết cả.
Nhưng cánh cửa đã đóng sầm lại. Người sĩ quan đi ra xa và húng hắng ho.
“Đù mẹ chúng mày!”. Lạng chửi rít qua hai kẽ răng. Anh không thể nào chịu nổi cái vẻ dửng dưng kia. Ừ mà tại sao chúng nó lại không nổi cáu lên với mình hè. Thà rằng chúng nó hầm hoét, chửi bới hay đánh đập thì mình còn thấy có lý. Hay chúng nó chỉ giả vờ? Mà đúng rồi lẽ nào một thằng từ thế giới bên kia rơi tõm xuống đây mà lại được tin ngay. Phải thử thách, thậm chí thử thách hàng chục hàng trăm lần nữa là khác. Y như họat động tình báo! Lạng bỗng thấy thích thú! Từ hôm nay mình trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng. Bao nhiêu cơ quan tình báo phải chụm đầu vào nghiên cứu về mình, thú vị thật. Ừ, mà chúng nó cũng không phải hoàn toàn nghi ngờ. Nếu nghi ngờ thì chắc chắn mình đã bị tra khảo rồi. Cái dáng điệu nhã nhặn ung dung của lão kia có nghĩa là đã tin mình. Tin nhiều nữa là khác. Như vậy điều cốt lõi lúc này là phải nhớ cho kỹ những lời đã khai, trăm lần như một, đừng có khác nửa câu.
Lần thứ ba.. lần thứ tư... lần thứ năm. Những tờ khai như được sao nguyên văn thành nhiều bản. Cả hai bên đều kiên nhẫn chờ đợi nhau.
Điều chờ đợi của Lạng đã đến. Sau tờ khai thứ năm, viên sĩ quan già đã không còn giữ được cái vẻ trơn tru mặt lì như trước nữa. Một cái bạt tai bất ngờ nổ tóa vào mặt Lạng. Anh chưa kịp định thần thì tiếp một cú đấm móc hàm giòn như cành cây khô gãy. Lạng bổ chửng ra giữa nhà. Một cảm giác buồn nôn ói lên trong cuống họng. Máu trào ra mặn rít cả hai hàm răng.
Cánh cửa đóng sầm. Sau vài phút, một tên lính cầm tiểu liên mở cửa bước vào:
- Đứng dậy!
Lạng nghe rõ tiếng quát nhưng không thể nào cựa mình được. Sự đau đớn và cả sự căm uất nữa đè bẹp anh xuống sàn nhà.
- Đứng dậy! Có nghe không đấy?
Người lính vừa hỏi vừa cúi sát xuống, lấy tay đỡ khuôn mặt đang vật nghiêng của Lạng lên:
- Đừng vờ nữa, tao cho một quả vào ngực mà tắt thở luôn bây giờ - Lời lẽ thì dữ tợn, nhưng giọng người lính lại không có vẻ hung hăng lắm. Lạng rên rỉ, cầu cứu:
- Anh đỡ dùm... đau quá!...
- Hừ, đã làm tình báo còn sợ đau...
Lạng nín lặng. Hóa ra chúng nó đã nghi mình là tình báo thật. Nhưng lấy chi làm bằng chứng? Ối, đau quá. Lần đầu tiên trong đời anh phải chịu đòn đau, mặc dù trong tưởng tượng anh đã từng nghĩ tới bao nhiêu hình thức tra tấn ghê gớm khác nữa. Liệu mình có chịu đựng nổi không?
Người lính đã giúp Lạng đứng dậy. Anh ta nhìn Lạng một lúc rồi khẽ lắc lắc đầu:
- To gan thiệt... Tôi thì có cắt cổ cũng xin vái, không dám chơi cái trò ấy...
Lạng định nói một câu nhưng hai hàm răng đã dính bết với nhau không thể nào mở ra nổi. Vả lại anh cũng không biết nên nói cái gì. Chẳng có cách gì thanh minh được điều oan trái. Lạng cúi mặt cố chịu đau, ngồi bệt xuống góc giường.
- Ô hay, định ngồi lì đó hả? Đi!
Lạng cố mở to mắt nhìn người lính. Đi đâu? Anh muốn hỏi mà không nói được. Tuy vậy người lính vẫn hiểu.
- Tôi được lệnh giải ông lên Bộ tư lệnh đặc khu. Đừng để mất thì giờ, đi!
Một cảm giác ghê rợn bất chợt chạy lan khắp người Lạng. Anh nhắm nghiền mắt lại. Người lính xốc xốc khẩu tiểu liên trong tay. Cái nòng súng hơi chếch lên một chút ngang tầm thắt lưng của Lạng. Anh rùng mình và lập cập bước đi. Từ đâu đó, sâu thẳm trong tâm khảm anh vọng lên một lời hoảng hốt: “Mình đi vào cõi chết”...
Cảnh tượng chiều cuối đông trên những trẳng cát dài trông thật là não ruột. Bầu trời và mặt cát như muốn hòa lẫn vào nhau. Những hàng dương xơ xác rên rỉ trong gió lạnh, thỉnh thoảng lại rùng mình bất chợt như kẻ động kinh. Mây đông đặc từng cục bay vật vờ với nhau rồi rã ra thành từng màng mưa mỏng la đà buông xiên từ ngoài biển vào, choàng lên những xóm vắng của các làng chài cát cái màu bạc mệnh. Sóng dầm dề vật vã như con bệnh lâu ngày không được chạy chữa thuốc thang.
Mưa lâu ngày, đường trên cát không còn là đường nữa. Hai người cứ men theo những đụn cát hình yên ngựa mà đi. Đã cách khá xa khu căn cứ quân sự đồi 24, họ uể oải đi về phía quận Trung Lương. Trông dáng bộ bên ngoài hai người lúc này không còn cái kiểu cách áp giải tù binh nữa, mà là hai kẻ lạc đường đói khát thất thểu tìm nơi trú chân.
- Này...
Người lính đột ngột gọi giật giọng. Chân Lạng như muốn dính bết vào nhau. Người chồm vội lên phía trước. Trống ngực đập loạn xạ. “Này” nghĩa là thế nào? Bắt đầu rồi ư? Hai tai Lạng ong ong hàng trăm tiếng “này” dập vào dội ra.
- Này... Không nghe à? Đứng lại.
Ngực Lạng nhói thắt một cơn đau đột ngột. Hai chân dừng hẳn lại và run khập khậy như đang đứng trên cầu treo mỏng manh. Có thể... bắt đầu thiệt rồi... Lạng vụt nghĩ nhanh và vụt quay lại. Nếu cần thì vồ đếp bóp cổ hắn... Nếu cần thì khóc to lên... Nếu cần thì van lạy... Hàng chục phương kế đặt ra cùng một lúc. Nhưng Lạng vẫn không nhấc nổi người. Ý nghĩ về cái chết như vết mực loang dần trong trí não nhuộm sệt toàn bộ phản xạ nhanh nhảu của anh. Tất cả sẽ bắt đầu bằng một tiếng nổ... Anh nghĩ rõ ràng như vậy nhưng vẫn không dám gọi tên cái bắt đầu ấy ra.
- Nghỉ tí đã ông nội. Đi hăng như là được về nhà ấy...
Người lính xốc lại khẩu súng rồi ngồi xuống cách chỗ Lạng đứng khoảng năm bước chân. Lạng nhẩm tính, nếu lao đến thì phải nhảy hai bước, có lẽ nòng súng kịp tóe lửa. Cần đến gần tí nữa, làm sao chỉ vồ cái là được. Ý nghĩ làm đầu Lạng nóng bừng lên. Hai tay bỗng luống cuống. Hình như người lính đã đọc được ý nghĩ ấy.
- Này, coi chừng nghe. Ngồi xuống. Liều là bắn bỏ đó cha nội ạ!
“Ông nội” rồi hạ xuống “cha nội”. Lạng bất lực ngồi bệt xuống cát, mặt cố tình quay ra phía biển.
- Anh hai mấy tuổi rồi mà dám liều thân làm tình báo dữ vậy?
Người lính hỏi trong sự tò mò rất trẻ con. Lạng chợt nghĩ có lẽ lát nữa nó còn gọi mình là em út hoặc con cháu cũng nên. Sự bực bõ bẩm sinh nổi dậy, Lạng xẵng giọng:
- Các ông cứ như con nít sợ ma, lúc nào cũng nơm nớp tình báo với tình chí. Tôi tình nguyện vào với chế độ này... Gia đình tôi có nợ máu với ngoài đó...
Người lính đột ngột cười vang:
- Ha ha.. nói nghe ngon lành quá! Thôi đi chú mày! Cứ cái giọng leo lẻo ấy thì toi mạng đến nơi đó. Chính chú em mới trẻ con. Những bộ óc tình báo trong này dù có thơ ngây đến mấy cũng chẳng bị lừa vì cái giọng bo bỏ ấy đâu.
- Vì sao?... Vì sao nào?
- Im mẹ cái mồm mày đi. Nhóc con mà dám nói dối như cuội ấy. Những mạng lưới điều tra khổng lồ của Cục an ninh Quân lực đã trả lời rành rọt rồi con ạ. Mày không phải là con cái lão đếch gì mà bị Việt Minh phéng cổ đâu. Dòng máu mày là dòng máu khác, dòng máu Việt cộng nòi. Bố bảo cho thế để đừng có ảo tưởng với mấy lời khai cũ, đến khi ân hận thì quá muộn đấy con ạ.
Như một quả tạ giáng xuống đầu Lạng. Anh chết lặng người. Lẽ nào cuộc đời lại trớ trêu đến thế? Trong một giây quá khứ cuồn cuộn trào lên... Những tiếng đồn đại của dân làng hóa ra có thật ư? Hay là chỉ vì những lời đồn đại ấy mà bọn gián điệp gà mờ đã khẳng định như vậy? Mình không phải con bố Ất, nghĩa là mình không phải họ Hoàng? Mình là con ông Học thiệt ư? Con một phó chủ nhiệm hợp tác xã? Lẽ nào họ của mình là Ngô Sĩ.
- Tao nói cho mà biết thế là cốt để cứu mày. – Người lính bỗng đổi cách xưng hô – Nói thiệt là tao cũng chúa ghét ba thằng cha an ninh. Toàn như cú mèo cả. Mày cứ liệu đấy, chẳng ai tin mày đâu. Lên trên đặc khu thì liệu đấy mà khai. Ương bướng chỉ thiệt mạng thôi.
Lạng hầu như mất hẳn ý chí và lòng kiêu hãnh. Sau khi về đến đặc khu anh đã kể hết tất cả hoàn cảnh của mình, kể cả những lời đồn đại mà chính mình cũng nửa tin nửa ngờ trong suốt bao năm thơ ấu. Rằng anh đúng đã sinh ra trong nhà họ Hoàng, tuy vậy cũng có lời xì xào anh là con ông Ngô Sĩ Học. Nhưng vì gia đình anh là gia đình “nết na” nên đã cấm ngặt những chuyện đó. Cái “nết na” ấy đã đẩy anh trở thành kẻ sống lửng lơ, không họ hàng...
Lạng bị giam lỏng đúng hai mươi hôm. Sau đó nghe đâu đã có những xác nhận mới của Phòng hai Bộ tư lệnh đặc khu quyết định cho Lạng nhập ngũ. Anh được điều về làm lính ở đơn vị công binh cầu đường. Rõ ràng Lạng vẫn không được trọng dụng.
Mặc dầu đã được mặc áo lính hẳn hoi, và trong công việc Lạng lại là người hì hục, tận tụy nhất, song lúc nào anh cũng mặc cảm rằng mình là một tên tù cải tạo. Xung quanh, hình như ai cũng nhìn anh bằng con mắt tò mò, dè dặt. Người ta đang nói với nhau chuyện gì đó vui lắm, nhưng khi Lạng kéo lê chiếc xẻng đến gần thì họ im bặt tiếng cười rồi lảng ra nói những câu thật nhạt nhẽo. Không một ai bắt chuyện với Lạng, trừ mệnh lệnh và những câu chửi tục. Mấy ngày đầu Lạng không thể nào chịu nổi những câu chửi tục. Đã có lần uất quá anh định vung xẻng lên xán bừa vào giữa mặt cái thằng vừa chửi. Nhưng rồi anh cố nén chịu. Vài ba lần nén chịu. Cứ thế, nhịn mãi thành quen. Đầu Lạng cúi thấp hơn, mặc dù trong ngực anh vẫn chưa thôi những cơn tấm tức như sóng cuộn.
Gần một tháng trôi qua, Lạng sống trong âm thầm chịu đựng. Dần dần anh cũng tìm ra được một cách sống thích hợp: bất cần và phó mặc. Suốt ngày Lạng hì hục đập đá, xe đất như một kẻ làm thuê. Hết giờ anh lặng lẽ ngồi một mình, thẫn thờ nhìn ra phương Bắc. Mặc kệ ai xầm xì, chỉ trỏ, mặc kệ cả những đôi mắt xoi mói nhìn trộm, Lạng cứ ngồi thế cho đến khi có lệnh tập hợp.
Lúc này đại đôi công binh đang thi công đoạn đường “Bắc tiến” từ Nam Đông hướng thẳng ra Khe Dưới. Những ngày giáp tết, mưa liên miên. Đất đỏ nhão nhoẹt dính đặc sệt đầu xẻng. Máy húc đi trước xới tung rễ cây, vét cạn những cồn đất cao. Bánh xích băm nhừ lớp đất mặt. Những người lính mang giày cao cổ lội sì soạp trên bùn. Xe tải GMC chở kìn kịt những thùng đất sỏi từ dưới các đồi hoang gần Cam Lộ lên đổ ùn thành đống trên mặt đường. Tiếp đó là công việc của Lạng. Đất sỏi được xúc rải đều mặt đường tạo nên một lớp cứng như đúc bê tông. Con đường đỏ quạch cứ thế mà lăn dần vào khu phi quân sự, chọc thẳng ra miền Bắc như một lưỡi dao bầu bầm máu của tên đao phủ.
Đêm. Cả đại đội đóng quân theo thế dã chiến hai bên trục đường dưới những mái nhà dù lóng lánh. Nhạc nhảy từ phía nhà chỉ huy đại đội vàng lên run rẩy. Những cô gái trong đoàn quân tiếp vụ, mặt dày bộp phấn, đang uốn mông theo nhạc. Mưa vẫn gõ triền miên vào rừng. Lính ở lán ngủ thiếp đi sau một ngày còng lưng xúc đất sỏi.
Những đêm như thế Lạng thường ngồi ôm gối nhìn lên nhà chỉ huy đại đội. Lúc đầu anh không thích thú nhạc nhảy cong cớn đó. Ở miền Bắc bao năm, chưa một lần nào anh nghe thứ nhạc ấy. Nhưng cái gì rồi cũng quen. Hơn nữa bẩm sinh anh đã có “máu” văn nghệ. Tiếng nhạc nhảy như một chất nghiện cứ ngấm dần vào anh. Càng nghe càng thèm thuồng. Lạng rất muốn mò lên nhà chỉ huy để được tận mắt xem các cô tiếp vụ nhảy. Nhưng anh không dám.
Lạng đang ngồi ngẩn người như kẻ si tình bị thôi miên khi chợt nghe phía sau có bước chân ai đi gần lại. Lạng bối rối như kẻ bị bắt quả tang. Anh định nhổm dậy chui nhanh vào lán. Nhưng bước chân phía sau đã dừng sát sau lưng lạng.
- Nghĩ chi hung rứa, chú?
Lạng nhận ngay ra tiếng anh Mẫn bếp trưởng. Từ ngày về đại đội công binh này Lạng sống một cách lạc lõng như đứa trẻ mồ côi thẫn thờ trong một khu gia đình tấp nập. Chỉ duy nhất có một người thường hay đưa mắt nhìn trôm Lạng. Thoạt đầu Lạng rất khó chịu với đôi mắt ấy. Nhưng rồi dần dần anh nhận ra Mẫn không phải là kẻ độc ác. Suất cơm nào Lạng chìa tay ra bê đều được Mẫn đắp vội thêm một miếng cháy to bằng bàn tay. Rồi đến lúc chính Lạng lại hay đưa mắt nhìn trộm người bếp trưởng: Đấy là một thanh niên có lẽ phải lớn hơn lạng gần chục tuổi. Khuôn mặt xương xẩu, tóc quăn, cặp môi rạn nứt như ăn trầu. Hai cánh tay gầy và dài. Cả con người của Mẫn thoạt trông như một cành cây sầu đông trụi lá. Tuy vậy đã gần một tháng rồi mà hai người chưa có lần nào bắt chuyện với nhau.
- Răng trông buồn thiu rứa, nhớ nhà hí?
Mẫn hỏi rồi ngồi xuống bên Lạng. Tiếng nhạc nhảy vẫn bồng bềnh, chao đảo trước mặt. Gió lạnh thổi tạt từng cơn khiến tiếng nhạc có lúc mất đi đột ngột như chìm xuống đáy vực rồi bất ngờ rồ lên từng cơn như tiếng kêu cứu thất thanh. Tự nhiên Lạng bỗng thấy run sợ Hình như có tai họa gì đó sắp sửa áp lên người Lạng. Bất giác anh rùng mình. Bàn tay Mẫn đã đặt nhẹ lên vai anh.
- Này... ở ngoài nớ thế nào hè?
Tiếng Mẫn cũng thầm thì run run y như tai họa đã quay đầu chĩa về phía Mẫn... Chuyện gì thế nhỉ? Lạng thầm hỏi trong ý nghĩ thấp thỏm không yên.
- Ngoài nớ.. nó như thế nào?
- Là thế nào?
- Là... nói chung mọi thứ?
- Thì vẫn thế...
- Là thế nào?
- Cũng chẳng thế nào cả...
Không ai có thể nhận ra nội dung của những lời đối thoại vụng trộm và vô nghĩa ấy. Nhưng cả Mẫn lẫn Lạng đều tự hiểu. Cả hai đang đi chênh vênh trên một giới tuyến mỏng manh và éo le như sợi chỉ giăng qua bờ vực.
- Ngoài nớ... có hay thiết quân luật không?
- Nỏ (2)
- Có cố vấn không?
- Nỏ!
- Thế thì làm thế nào?
- Làm hợp tác chứ thế nào?
- Hợp tác là cái gì?
Lạng hơi khó hiểu vì sao Mẫn lại hỏi tỉ mỉ những chuyện ấy. Anh đáp dè dặt.
- Ơ hay hè, rứa tổ đổi công là cái chi?
Lạng sắp sửa cáu kỉnh:
- Cái anh ni hay hè. Thì làm đổi công chứ chi nữa. Nói thí dụ, nhà anh giúp nhà tôi cấy, nhà tôi lại trả công gặt cho anh.
- Ơ hay hè, rứa nhà nào cũng có ruộng à?
- Ừ, nhưng hiện chừ thì bỏ chung vào hợp tác rồi.
- Rứa là mất ruộng?
- Xì, có vậy mà anh không hiểu à? Bỏ chung vào rồi cùng làm cùng hưởng. Người mạnh giúp người yếu, nhà nhiều công giúp nhà ít công...
- Ơ hay hè...
Những tiếng “ơ hay hè” cứ khe khẽ phát ra giòn như hạt mưa rơi trên máng xối. Hai người cứ đà ấy mà ngồi sát lại với nhau lúc nào không để ý.
- Rứa ngoài nớ có dân vệ không? Có bảo an không?
- Dân vệ là chi?
- Là... kiểu như lính nhưng ở nhà đó, ăn cơm nhà mà có súng...
- À, thế thì cũng có. Ngoài nớ gọi là dân quân.
- Ơ hay hè. Này rứa ngoài nớ...
Cứ vậy, một người say sưa hỏi và một người hào hứng giải thích. Chuyện hấp dẫn và hứng thú hơn bất kỳ một kho sách li kì nào. Tiếng nhạc nhảy đã chết lim đi từ lúc nào. Rừng khúm núm trong gió lạnh và mưa mịt mùng. Đâu đó có những tiếng ngáy khò khò của lính phát ra, nặng nhọc và khổ ải.
“Mình đã nói những gì về miền Bắc?”. Câu hỏi cứ chập hờn mãi trong đầu Lạng. Đêm đã quá khuya lính trong nhà dù ngủ li bì. Riêng Lạng không sao chợp mắt được. Sau buổi nói chuyện như xả hơi bởi quá lâu rồi phải im lặng, Lãng bỗng giật mình run sợ. Biết đâu Mẫn là người theo dõi mình? Ừ, dại quá, mình cứ kể tuồn tuột hết mọi chuyện. Nghĩ đi nghĩ lại Lạng thấy có chút yên tâm vì thực ra cũng chẳng có điều gì bí mật. Như vậy mình vẫn chưa phải là thằng phản bội. Lạng thấy xốn xang như có cặp mắt ai đó từ trong khoảng đêm sâu thẳm nhìn xói vào mình.
Mình không phản bội!... Mà cũng không hề dối trá. Như vầy còn có duyên cớ gì mà sợ hãi. Nghĩ vậy nhưng Lạng vẫn thấy chờn chợn. Có lẽ vì mình đã kể về miền Bắc một cách quá sôi nổi nhiệt tình. Ừ, mà cũng lạ. Mình có gì với ngoài đó mà say sưa đến vậy? Những ngày sống trên đất Bắc, mình luôn luôn tủi hổ và ấm ức kia mà? Rứa mà chừ vẫn nhớ. Nhớ quá đi thôi. Lạng nhắm nghiền mắt lại, cố gắng ngủ. Cả một Vĩnh Linh cuồn cuộn hiện ra trong trí nhớ của anh...
Đột ngột cả khu rừng choàng dậy cuống cuồng. Một cái gì đó không rõ rệt xảy ra giữa lúc lính công binh còn ngủ mê mệt. Chớp sáng xanh lè, khói thuốc đạn khét lẹt, tiếng nổ dập dồn từ nhiều phía. Chưa ai trong đám lính công binh này có chút khái niệm gì về một trận đánh. Nhưng bằng trực giác của những con người luôn luôn bị cái chết đe dọa đang ập đến. Đám lính tỏa ra mọi phía, la hét nháo nào. Đất dưới chân tưởng chừng sụt lở hết. Rừng cây như bốc cháy. Ai cũng hi vọng được thoát nhưng ai cũng có cảm giác không thể nào chạy thoát được.
Thực ra đây chỉ là một trận tập kích nhỏ của tổ công an bờ Bắc bí mật phá rối âm mưu làm đoạn đường “Bắc tiến” của Mỹ - ngụy. Trận tập kích chỉ xảy ra chừng mười phút. Vài chục quả lựu đạn với mấy băng AK. Thế thôi, nhưng với đại đội công binh thì biến cố này như là một trận động đất.
Lạng co giò đạp băng qua quãng rừng cằn phía nam, cắm cổ chạy không hề ngoái lại. Những dây leo chằng ngang dưới đất mấy lần quật Lạng ngã nhào. Hình như ở trán cháy máu. Mặc kệ, Lạng cứ cắn chặt hai hàm răng cho khỏi run, cố để tay lên bụng cho đỡ đau thắt mà chạy. Cái sợ đối với Lạng có một ý nghĩa đặc biệt khủng khiếp. Đấy là nỗi sợ bị trả thù. Lạng linh cảm thấy giây phút phán xử đã đến. Anh chạy thục mạng trong một nỗi tuyệt vọng như thể trời sắp sập. Thoát ra khỏi đám cây rừng là đến đồi tranh. Cỏ tranh lúp xúp trống trải khiến Lạng càng hốt hoảng hơn. Đôi chân phóng rào rào. Có lẽ chẳng ai chạy kịp anh hoặc chạy theo hướng anh. Nhưng Lạng không hề biết điều đó vì anh không ngoái đầu lại một lần nào. Tiếng súng tập kích đã im tự lúc nào anh cũng không hề biết. Lạng chạy như rút ruột.
Bất ngờ Lạng lao sầm vào một người nào đó từ phía bên lao ngang qua. Cả hai gần như cùng một lúc hét lên một tiếng nghe khủng khiếp như tiếng kêu trước lúc tắt thở. Rồi cả hai, không hề có một giây nghĩ ngợi, ôm chằng lấy nhau, quật lộn nhau xuống đất, lăn sầm sập trên cỏ tranh, cào cấu, cắn xé, bóp cổ. Tiếng thở hồng hộc chèn vào nhau. Tiếng rên hư hử. Tiếng đấm thụi huỳnh huỵch. Lạng lật được người lên trên, đè đầu gối vào bụng kẻ nằm dưới, rồi cứ đà ấy anh nhún toàn thân. Một tiếng “ợ” trào lên nghe lẫn với tiếng rên khe khẽ:
- Mạ ơi... con chết – Việt cộng...
Đột ngột Lạng chùng tay lại. Toàn thân anh run lên. Cái chút trí tuệ người ít ỏi trong anh lúc này chợt thức tỉnh. Lạng nhận ra tiếng rên của người quen. Anh gọi cuống quít:
- Anh Mẫn!... Anh Mẫn phải không?
- Chao... thằng Lạng... hứ? Mi... giết... tao...
- Anh ơi...
- Mi...
Rồi im lặng. Nỗi hãi hùng cùng với sự tuyệt vọng giây lát đông đặc lại trong trí não Lạng cái màu tối của đêm cuối đông này. Lạng cứng đờ cả tay chân ngồi câm lặng nghe tiếng thở mỗi lúc một yếu dần của người bạn. Anh chẳng còn biết chỗ này là chỗ nào chỉ ang áng rằng đã cách khá xa khu đóng quân của đại đội. Chẳng ai biết được tội lỗi của anh. Nhưng riêng anh, làm sao mà trốn nổi. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã tự tay giết một mạng người. Cả cơ thể anh, trí não anh rệu rã ra đến mức không thể nào cử động được. Anh cứ ngồi vậy, mặt cúi gục xuống. Máu từ trán, từ má chảy rỉ xuống khóe miệng tanh nặc và mặn chát. Lần đầu tiên anh biết tởm lợm mùi máu.
- Mạ tau... ở Đông Hà... gọi là bà Tĩnh... buôn đồ gỗ... gần chợ. Tau con một... tau thương... Mạ ơi!...
Tiếng “ơi” cuối cùng nấc lên như một tiếng khóc. Cả tấm thân gầy guộc của Mẫn bỗng giãy lên đành đạch. Lạng hốt hoảng chồm người tới đè lên ngực Mẫn. Sau cái giãy giụa như muốn vùng chạy, Mẫn nằm co quắp, cứng đờ. Lạng run rẩy kéo thẳng chân tay bạn ra. Một cảm giác ghê rợn bất ngờ chạy lan người Lạng. Hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Anh lùi dần, lùi dần rồi đột ngột vùng chạy.
4
Chợ Đông Hà những ngày giáp tết đông một cách lạ thường. Thôi thì ngàn vạn thứ hàng hóa thi nhau đổ vào đây, la liệt đủ màu sắc, đủ mùi vị. Người chen người, hàng chen hàng, tiếng rao mời, lời thách giá, những câu nói cay, nói mát khích bác chửi rủa trộn lẫn nhau tạo nên cái mớ âm thanh khổng lồ huyên náo. Tiếng máy thuyền dưới sông, tiếng xe lam trên bến, tiếng đài bán dẫn, băng cát – set mở to hết cỡ như chửi nhau, thách đố nhau, nháo nhác inh ỏi. Người vừa giật được món hời cười nói bô bô, kẻ bị móc túi khóc lóc mếu máo. Anh mù quờ quạng ôm chiếc đàn hát đến khàn giọng. Cô gái làm điếm cười gần như khô cả hai hàm răng để chào khách. Trẻ con thi nhau đốt pháo khói mù trời.
Giữa đám người nghìn nghịt, hỗn độn nhưng cũng tinh sỏi chợ búa ấy, sáng nay có một thanh niên khoác bộ qu