Ngư dân Trung Quốc khẳng định bị lính Triều Tiên bắt cóc trong khi giới chức 2 nước đến nay hầu như vẫn im lặng về vụ việc.
Ngày 21.5, tất cả 28 ngư dânTrung Quốc và 3 tàu cá bị một nhóm người CHDCND Triều Tiên bắt cóc đã trở về cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Các ngư dân bị bắt ngày 8.5 khi đang hoạt động trên Hoàng Hải và các thủ phạm đòi tiền chuộc 2,7 triệu nhân dân tệ, theo báo Shanghai Morning Post.
Đến nay, bí ẩn vẫn bao trùm vụ việc khi chính quyền 2 nước cung cấp thông tin rất nhỏ giọt và chỉ nói sẽ phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Ngoại trừ việc truyền thông Trung Quốc khẳng định nước này không trả tiền chuộc, vẫn còn nhiều chi tiết mập mờ như nhóm bắt cóc là cướp biển hay lực lượng nào khác và tiến trình điều tra đến đâu.
Hải tặc, binh lính hay điệp viên?
Sau khi trở về, nhóm ngư dân Trung Quốc kể với Thời báo Hoàn Cầu rằng một tàu cao tốc vũ trang lần lượt bắt giữ tàu cá của họ. “Tàu cao tốc tiến về phía chúng tôi, rồi 6-7 người Triều Tiên mang súng và mặc quân phục lên tàu khống chế mọi người. Trong số đó, có kẻ nói tiếng phổ thông trôi chảy nhưng hình như không phải người gốc Hoa”, ông Chu Sang, một trong 3 thuyền trưởng bị bắt kể lại. Một người khác cho biết thêm: “Bọn họ không đưa tàu về bất cứ cảng nào ở CHDCND Triều Tiên. Do đó, tàu cứ lênh đênh trên biển. Chúng tôi bị nhốt trong một khoang nhỏ và bị đánh đập. Một số người mặc quân phục ép chúng tôi ký giấy thừa nhận đánh bắt trong vùng biển Triều Tiên và phải nói rằng mình được đối xử tốt”. Trước đó, Tân Hoa xã dẫn lời giới chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định các ngư dân “an toàn và sức khỏe vẫn tốt” trong thời gian bị giam giữ.
Mới đây, trang tin Asia News đăng bài phân tích của chuyên gia về Triều Tiên Leonid Petrov tại Đại học Sydney (Úc) cho rằng vụ việc lần này có nhiều điểm bất thường. Chẳng hạn nhóm bắt cóc đội nón xanh, mặc quân phục, nói tiếng phổ thông trôi chảy và dùng tàu cao tốc vũ trang. Ông Petrov dẫn lời một số người Triều Tiên ở nước ngoài cho rằng thủ phạm chính là điệp viên của Tổng cục Thám báo Triều Tiên (GBR). Trước nay, đặc tình GBR được cho là hay dùng tàu cao tốc vũ trang bí mật vào các vùng biển quốc tế để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, họ có khả năng nói tiếng phổ thông lưu loát vì được đào tạo để hoạt động ở vùng biên giới với Trung Quốc.
Mặt khác, đến nay, giới chức Trung Quốc cũng khẳng định vụ bắt cóc xảy ra trong vùng biển nước này. Theo chuyên gia Petrov, nếu đích thân điệp viên GBR vượt giới tuyến để bắt công dân của một đồng minh lớn như Trung Quốc thì họ phải có sự chấp thuận từ cấp cao. Do đó, nhiều khả năng chính giới lãnh đạo Bình Nhưỡng lên kế hoạch vụ bắt cóc nhằm trả đũa một số động thái gần đây của Bắc Kinh. Theo Asia News, Trung Quốc tỏ ra không ủng hộ Triều Tiên phóng tên lửa đẩy vệ tinh hồi tháng 4 và chuẩn bị thử hạt nhân. Ngoài ra, một số người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc vừa được cho phép đến Hàn Quốc tị nạn thay vì bị trả về nước.
Giữ vững “tình hữu nghị”
Thật ra, theo nhiều nguồn tin thì trước nay cũng từng xảy ra nhiều vụ lực lượng tuần duyên CHDCND Triều Tiên bắt tàu Trung Quốc với cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển của mình. “Lính Triều Tiên lấy tất cả mọi thứ, kể cả bút chì và quần áo, chỉ chừa lại chút xăng để tàu trở về”, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chủ tàu ở Liêu Ninh cho hay. Có điều là các vụ việc này dường như không được phép công khai rộng rãi để tránh ảnh hưởng quan hệ cũng như giữ thể diện.
Giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và nhiều nước khác do tranh chấp trên biển, làn sóng dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại dâng cao trên các diễn đàn ở nước này thời gian qua. Các cư dân mạng liên tục đưa ra những lời lẽ hung hăng nhằm vào Nhật Bản, Philippines, Việt Nam… Lần này, đối tượng lại là đồng minh thân thiết CHDCND Triều Tiên. Trên mạng xã hội Weibo và cả phần bình luận của tờ Hoàn Cầu tràn ngập các ý kiến đòi trừng phạt “Triều Tiên vô ơn” cũng như cáo buộc chính quyền Bắc Kinh “nhu nhược”. Mặt khác, cũng có nhiều bình luận cho rằng tàu bè Trung Quốc phải bỏ “thói quen” xem vùng biển nước khác là ao nhà của mình, muốn làm gì thì làm. Nếu không thì “đến Triều Tiên cũng không thể ngồi yên”.
Tuy nhiên, theo ông Petrov, chính quyền 2 nước đang cố gắng giảm nhẹ vụ việc để tránh làm xấu quan hệ. Một quan chức Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho Thời báo Hoàn Cầu hay Bình Nhưỡng sẽ xử lý hậu quả của vụ bắt cóc dựa trên quan hệ hữu nghị giữa hai bên. Tờ báo cũng vừa đăng bài xã luận kêu gọi bình tĩnh. “Quan hệ đồng minh Trung Quốc - Triều Tiên đã phát triển trong nhiều thập niên, có lợi cho cả đôi bên lẫn hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới. Dù đôi khi hai bên có mâu thuẫn, chủ yếu liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng chúng ta cần nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về tình hữu nghị giữa 2 nước để tránh làm xói mòn niềm tin”, bài xã luận viết, đồng thời kết luận: “Khi chưa xác minh được sự liên quan của chính quyền hay quan chức Triều Tiên trong vụ bắt cóc thì không nên chính trị hóa và làm phức tạp thêm tình hình”.